Tuy còn rất sớm nhưng trên thao trường, các huấn luyện viên đã đang tất bật chuẩn bị cho buổi tập dượt. Mười chú chó được huấn luyện viên đưa vào vị trí chiến đấu. Từng ụ khói bốc lên đặc quánh làm mờ cả thao trường. Lờ mờ sau đám khói xuất hiện đám “quân xanh” đóng vai tội phạm. "Quân xanh" là những người phục vụ cũng là những chiến sĩ thay phiên nhau làm mục tiêu cho chó tấn công. Họ đều mặc áo bông dày và mang giáp ống bảo hộ tay. Tiếng khẩu lệnh vang lên đanh gọn, đàn chó phóng lên như tên bắn. Bằng một cú nhảy lên, cắn phập hàm răng thép vào cánh tay “quân xanh”. Bằng một sức mạnh phi thường, chúng quật ngã “đối thủ” xuống đất. Chúng tôi ai cũng hồi hộp, bất chợt có tiếng hô to: Thôi tập! Đàn chó vội buông “con mồi” ra, nhưng vẫn giữ tư thế khống chế. “Quân xanh” phải nằm im, không được cựa quậy, tránh cho chó bị kích động có thể tấn công tiếp...

“Đó là bài tấn công tội phạm của các chú chó nghiệp vụ. Dù trời mưa hay trời nắng, cứ đều đặn hằng ngày, các chú cảnh khuyển cùng huấn luyện viên của mình vẫn miệt mài tập luyện để thành thục các kỹ năng chiến đấu”, Trung úy Lê Văn Phú, Đội trưởng Đội Huấn luyện chó nghiệp vụ chia sẻ.

nhung chien si dac biet
nhung chien si dac biet

Những "chiến sĩ đặc biệt" tham gia các bài tập.

Để có được một con chó thiện chiến như vậy, việc nuôi dạy rất nhọc nhằn, tốn nhiều công sức. Thiếu úy Ngô Viết Trung, huấn luyện viên chó nghiệp vụ - Đồn Biên phòng Nhâm chia sẻ: Ngày đầu vào trường, mỗi con chó bắt đầu làm quen với một “người thầy”. Tiếp đến chó được huấn luyện vào khuôn khổ kỷ luật, học tuân theo mệnh lệnh của huấn luyện viên. Các động tác cơ bản như đứng, chào, ngồi, nằm, bò, trườn, kêu, mang đồ vật... phải hết sức thuần thục. Tính thông minh của loài chó thích ứng rất nhanh khi biết nghe gọi tên riêng, không nhận thức ăn của người lạ, tập quen dần tiếng súng, tiếng nổ. Những buổi tập thể lực cùng các bài tập vượt qua chướng ngại vật, lao qua vòng lửa, chinh phục độ cao... cũng là lúc kết thúc giai đoạn một kéo dài bốn tháng. Bước vào giai đoạn hai, qua đánh giá phân loại, tùy theo khả năng từng con mà đưa vào chuyên ngành chiến đấu, chống ma túy, hoặc cứu hộ. Từ đây “thầy” và “trò” luôn gắn bó với nhau cho đến khi cả hai cùng tốt nghiệp và được biên chế về đơn vị.

Để nâng cao năng lực chiến đấu, phát giác tội phạm, từ năm 1959 Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã hình thành đội chó nghiệp vụ chiến đấu và cũng từ đó đem lại những hiệu quả tích cực trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới.

Khu vực biên giới là nơi nhiều hoạt động của các tổ chức tội phạm diễn ra hết sức phức tạp và liều lĩnh. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới của lực lượng biên phòng cũng gặp không ít khó khăn. Với sự hỗ trợ của những “chiến sĩ đặc biệt” này, khả năng chiến đấu và sức mạnh của lực lượng bộ đội biên phòng trong nhiệm vụ phát hiện, đấu tranh và phòng chống các loại tội phạm được nâng lên gấp bội.