Ông Lường Văn Chựa, dân tộc Thái, sinh năm 1945 tại bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La là một trong những người vinh dự được gặp vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh trong dịp Bác cùng đoàn công tác tới thăm Yên Châu năm xưa.

Năm nay đã bước sang tuổi 74, ông Chựa vẫn luôn nhớ mãi kỷ niệm trong lần gặp Bác, những lời Bác căn dặn nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu luôn là kim chỉ nam để ông phấn đấu học tập và noi theo.

nho mai ky niem duoc gap bac ho o son la
Ông Lường Văn Chựa đã bước sang tuổi 74 nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn.

Chúng tôi gặp ông Lường Văn Chựa đúng lúc ông đang ngồi viết nhật ký, đây là thói quen từ lâu của ông, nhất là khi có tuổi, mỗi lần viết nhật ký là mỗi lần ông rèn luyện trí nhớ cũng như ôn lại kỷ niệm trong cả cuộc đời phấn đấu, rèn luyện của mình.

Bên tách trà trong ngôi nhà sàn khang trang, rộng rãi, ông chia sẻ: Suốt cuộc đời, ông nhớ nhất kỷ niệm lần đầu được gặp Bác vào dịp Bác cùng đoàn công tác lên thăm đồng bào Tây Bắc năm 1959.

Ông còn nhớ như in: Vào chiều 7/5/1959, thầy giáo thông báo một tin quan trọng, sáng hôm sau phải dậy sớm, vào tiếng gà gáy đầu tiên, xuống bản Khóong, xã Mường Vạt, nay là thị trấn Yên Châu, đón đoàn công tác cao cấp của Chính phủ.

Khi đó, chúng tôi ai cũng hồi hộp, hôm sau ai nấy đều nói rằng suốt đêm qua thao thức không ngủ được. Chân đất đi bộ 8km đến Bản Khóong, xuống đến nơi trời mới tờ mờ sáng, lúc đó nhân dân cũng đã đến rất đông.

Khoảng 7 giờ sáng chúng tôi thấy từ trong chiếc xe con một ông cụ bước ra, mặc quần nâu, áo nâu, tóc bạc, ngay lúc đó tiếng một cán bộ hô lên Hồ Chủ tịch muôn năm và tất cả nhân dân cũng đồng thanh hô vang Hồ Chủ tịch muôn năm. Lúc bấy giờ bọn tôi mới biết Bác Hồ đến thăm.

nho mai ky niem duoc gap bac ho o son la
Mỗi ngày ông thường xuyên viết nhật ký, ghi lại những dấu ấn trong cuộc đời mình.

Bác hỏi thăm sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ và đồng bào nhân dân các dân tộc trong châu Yên Châu. Bác khen rằng, Đảng, Chính phủ và Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào châu nhà trong kháng chiến đã tổ chức rất tốt, đã giúp bộ đội, cán bộ giải phóng Điện Biên.

Bác nhắc đi nhắc lại phải đoàn kết, có đoàn kết mới có sức mạnh. Khi ấy, tuy học lớp 3, nhưng chúng tôi đều đã 13 và 14 tuổi rồi nên nhớ rất rõ về những gì diễn ra ngày ấy, may mắn hơn là tôi được giao cầm khung ảnh của Bác, được đứng hàng đầu, rất gần với Bác. Khi đó tôi rất phấn khởi, hồi hộp vì từ trước tới giờ chỉ nhìn thấy Bác qua hình ảnh, bây giờ được gặp trực tiếp, cảm xúc lúc đó thật khó tả.

“Bác bước vào gần đến khu vực chào đón, là nghe tiếng một cán bộ hô lên và sau đó tất cả người dân ở khu vực ấy hô đồng thanh theo là Hồ Chủ tịch muôn năm. Nghe Bác nói mà anh em chúng tôi thấy là rất phấn khởi nhưng mà thấy hồi hộp, hồi hộp ghê lắm, vì chỉ thấy Bác qua ảnh, bây giờ được gặp Bác ngoài đời thật”, ông Lường Văn Chựa nhớ lại.

Lần gặp Bác năm 1959 đã để lại trong ông dấu ấn không phai, từng lời Bác căn dặn như kim chỉ nam để ông suốt đời phấn đấu học tập và noi theo, dù thực hiện nhiệm vụ trên cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, ông Lường Văn Chựa phải dừng việc học khi mới lớp 4. Năm 1962, không cam chịu cuộc sống nơi bản làng nghèo khó, ông thoát ly và công tác tại phòng thương nghiệp huyện Yên Châu.

nho mai ky niem duoc gap bac ho o son la
Ông cho biết thêm, lần gặp Bác là kỷ niệm sâu sắc, ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời mình.

Đến năm 1965, tròn 20 tuổi, ông hăng hái nhập ngũ, tham gia trung đoàn 186, Quân khu Tây Bắc, thời gian trong quân đội ông tiếp tục học lên hết lớp 7/10.

Cuối năm 1966 ông chuyển sang Trung đoàn Tên lửa 276, Quân chủng Phòng không Không quân. Tại đây ông cùng đồng đội, đồng chí tham gia chiến dịch chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc tại thành phố cảng Hải Phòng, rồi tham gia chiến dịch tại các chiến trường Nghệ An, Quảng Bình, Vĩnh Linh.

Năm 1977, mang hàm Thiếu úy xuất ngũ về công tác tại địa phương, ông tiếp tục học tập, rèn luyện, cống hiến cho quê hương.

Kinh qua nhiều vị trí công tác, làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Châu; trưởng ban tổ chức Huyện ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Yên Châu, cho đến năm 2000 ông nghỉ hưu. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như, Huân chương kháng chiến hạng Nhì, Huy chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ vẻ vang cùng nhiều bằng khen.

“Hồi ấy tuổi thì còn trẻ, có 14 tuổi, nghe thì chưa hiểu được hết nhưng về sau ngẫm lại những câu nói của Bác thì mới thấy mới hiểu. Sau quá trình bươn trải trong quân đội, rồi về làm ở lĩnh vực dân sự, va chạm những cái đúng, cái sai đối với người nông dân rồi các tầng lớp thì mới thấy được những lời nói của Bác cũng là yên tâm và đồng thời biến thành cái chất con người, thành cái tư chất của mình”, ông Lường Văn Chựa cho biết.

Bước sang tuổi 74, cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Chựa vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn, ông thường xuyên tham gia công việc của bản của xã, giáo dục con cháu thực hiện điều hay, lẽ phải, ra sức học tập, phấn đấu xây dựng quê hương, bản làng giàu đẹp, văn minh, nhất là phấn đấu thực hiện các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương.

Giờ đây 3 người con của ông đều đã trưởng thành, các cháu nhỏ trong gia đình luôn nỗ lực học tập, là con ngoan trò giỏi, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội trong tương lai.

“Ngoài ra ở trên lớp thì đi học về, ông bà với cả bố mẹ có dạy dỗ và bảo ban là phải hòa nhã, đoàn kết với bạn bè, trên lớp thì giúp đỡ bạn bè và cố gắng học tập tốt để đạt kết quả cao. Ngoài ra thì ông còn kể về ngày xưa ông được gặp Bác Hồ, đó cũng là tấm gương, động lực để em học tập và noi theo”, Lường Thị Phương Nhi, cháu gái ông Lường Văn Chựa học lớp 11 trường THPT Yên Châu nói.

Thực hiện lời dạy của Bác, ông Lường Văn Chựa cùng đồng bào nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu đang ra sức xây dựng bản làng, quê hương giàu đẹp. Từ huyện Yên Châu trước còn nhiều khó khăn, nay đã có sản phẩm xoài Yên Châu được xuất khẩu sang Úc, đời sống của bà con ngày càng phát triển bền vững./.