(Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – công bố năm 1969)

Khán phòng Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Thái Nguyên không còn một ghế trống. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở ban ngành, đại diện các địa phương trong tỉnh cùng đông đảo nhân dân thành phố Thái Nguyên đã cùng về đây tham dự chương trình truyền hình đặc biệt “Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác” để bày tỏ tình cảm dâng lên vị cha già kính yêu của dân tộc. Đêm giao lưu "Nhớ lời Di chúc theo chân Bác", đêm của những xúc cảm về một con người vô cùng lớn lao nhưng rất đỗi giản dị, một con người vĩ đại nhưng cũng rất gần gũi thân thương. Người là Hồ Chí Minh!

Ngày mùng 2/9/1969, trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ trong Phủ Chủ tịch, Bác lặng lẽ vĩnh biệt chúng ta, bước vào “cuộc trường chinh nhẹ cánh bay”, để lại cho nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới niềm đau thương, mất mát vô hạn. Trời mùa thu vẫn trong và xanh lắm! Toàn dân đang náo nức trong niềm vui của mùa thu cách mạng – mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Người và Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã tiến hành Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, giành độc lập tự do cho đất nước, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng mùa thu đã thiếu vắng một người – một trái tim nồng ấm…

40 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về với cụ Các Mác, Lênin, về với thế giới người hiền, thì nỗi tiếc thương và những tình cảm mến yêu dành cho Người vẫn cháy bỏng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

(Bác ơi – Tố Hữu)

Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta Bản Di chúc lịch sử vô giá, đó là sự kết tinh những tinh hoa về tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu hy sinh vì tổ quốc và nhân loại. Khán giả tham dự chương trình truyền hình trực tiếp “Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác” đã không khỏi xúc động được nghe lại toàn văn bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những hình ảnh tư liệu quí giá về phút lâm chung của Bác, Lễ tang của Người.

Một không khí trang nghiêm và lắng đọng, sự nghẹn ngào của cả khán phòng trước sự mất mát không gì bù đắp nổi. Nước mắt nhẹ rơi, mỗi người thả lòng theo cảm xúc, cho trái tim và tâm hồn được hướng về vị cha già kính yêu, như vẫn còn thấy Người đâu đây, trên những nẻo đường ATK ngày nào. Năm 1947, Bác Hồ và TƯ Đảng đã về Thái Nguyên cùng toàn dân thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chương trình “Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác” đã nêu lên sự trùng hợp thú vị giữa 2 tác phẩm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” (viết tháng 10/1947) và Di chúc của Người (viết năm 1965, và được sửa chữa qua từng năm đến năm 1969). 2 tác phẩm viết ở 2 địa danh khác nhau là “Thủ đô gió ngàn” và “Thủ đô Hà Nội”. Ở thời điểm khác nhau, xong bao trùm nhất, quan trọng nhất trong tư tưởng, nội dung đều thể hiện sự quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng đạo đức người cán bộ cách mạng.

Đến hôm nay, Bản Di chúc và cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị, là tác phẩm rất quan trọng, có tính chủ đạo thực tiễn sâu sắc nhằm làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Ông Đặng Xuân Kỳ và Đại tá Vũ Văn Bình giao lưu trong chương trình

Tham gia nội dung giao lưu trong chương trình có ông Đặng Xuân Kỳ (con trai cố Tổng Bí thư Trường Chinh) - Nguyên Viện Trưởng Viện Mác - Lênin, Đại tá Vũ Văn Bình – Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Đỗ Đăng Khoa - Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, địa danh 2 lần vinh dự đón Bác về thăm, nơi Bác dạy cán bộ phải 3 cùng với nhân dân và Thiếu uý Hoàng Quế - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội Công an Tỉnh Thái Nguyên - một điển hình trong thực hiện tấm gương đạo đức của Người.

Mỗi nhân vật để lại những cảm xúc, ấn tượng đẹp khác nhau trong lòng khán giả. Nguyên Viện trưởng Viện Mác – Lê Nin Đặng Xuân Kỳ đã có những phân tích sâu sắc, mang tính lý luận cao, giúp cho khán giả hiểu thêm về bản Di chúc bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông đặc biệt nhấn mạnh đến 2 tác phẩm được coi là “tuyệt bút” của Người. Đó là bản Tuyên ngôn độc lập và bản Di chúc. Hai văn bản này không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có ý nghĩa thời đại. Các tác phẩm của Bác Hồ luôn có sự nhất quán về nội dung, đặc biệt luôn nhấn mạnh xây dựng đạo đức cách mạng, người cán bộ Đảng viên phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân.

Đại tá Vũ Văn Bình – Phó tư lệnh Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mang đến chương trình những câu chuyện, những kỷ niệm đầy xúc động về những người đến viếng lăng Bác. Mỗi ngày, có gần 10.000 người, ngày cao điểm lên tới 30.000 người vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước linh cữu vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, lòng người thật khó kìm nén cảm xúc.

40 năm xa Bác, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã ra sức thi đua, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng “giàu có, phồn thịnh” theo lời căn dặn của Người khi Bác về thăm Thái Nguyên năm 1964, đáp lại tình cảm của Người giành cho Thủ đô kháng chiến.

Những năm qua, Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các mặt Kinh tế, Chính trị, Văn hóa, Xã hội, nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín của tổ chức Đảng, tạo nên những thay đổi tích cực trong cuộc sống của nhân dân.

Đặc biệt, trong cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể và cá nhân điển hình, mà xã Hùng Sơn, Đại Từ và Thiếu uý Hoàng Quế - Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội Công an tỉnh là 2 đại diện tiêu biểu

Ông Đỗ Đăng Khoa - Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, đã cùng khán giả ôn lại 4 lần địa phương này vinh dự đón Bác về thăm. Hôm nay, Hùng Sơn đang đổi mới, vươn lên mạnh mẽ, bình quân đầu người đạt 5 triệu đồng/người/năm, địa phương có 3 trường chuẩn quốc gia, các phong trào, hoạt động đều có những kết quả đáng ghi nhận.

Hình ảnh Bác kính yêu trên đồng đất Hùng Sơn năm nào đang tiếp tục tạo ra động lực thúc đẩy Đảng bộ và nhân dân xã đẩy mạnh sản xuất, phát triển đời sống, thay đổi bộ mặt nông thôn.

Khán giả đặc biệt ấn tượng với Thiếu uý trẻ Hoàng Quế. Anh chăm chú, lắng nghe những câu chuyện của ông Đỗ Đăng Khoa – người cùng giao lưu với mình. Nhìn gương mặt hiền lành của anh, không ít người bất ngờ khi biết, chàng chiến sỹ cảnh sát trẻ này đã điều tra, xác minh, truy bắt được 14 đối tượng có lệnh truy nã, trong đó có 7 đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Năm 2008, anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công hạng 3, cùng với nhiều bằng khen giấy khen của ngành công an và là 1 trong số những thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc.

Thiếu úy Hoàng Quế đã thay mặt thế hệ trẻ Thái Nguyên, khẳng định quyết tâm của tuổi trẻ, kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông, kế tục vững chắc sự nghiệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bao lớp thế hệ cha anh đã gây dựng nên, không phụ lòng mong mỏi và sự vun đắp của Bác Hồ kính yêu dành cho thanh niên, trở thành “những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên" theo đúng Di chúc của Người.

Bác đi... Di chúc giục lòng ta
Cho cả muôn đời một khúc ca
Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn
Và tình thương, ơn nghĩa bao la.

(Theo chân Bác – Tố Hữu)

Tiết mục "Muôn vàn tình thương yêu" (Nhạc sĩ Phạm Tuyên ) do Đoàn Nghệ Thuật TN biểu diễn

Đêm truyền hình trực tiếp “Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác” càng trở nên lắng đọng trong những giai điệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khán giả được thưởng thức những ca khúc đi cùng năm tháng, những lời ca da diết ca ngợi Bác được thể hiện qua giọng ca của NSƯT Nông Xuân Ái, NSƯT Thái Bảo, ca sỹ Trọng Tấn, Anh Thơ cùng tập thể diễn viên Đoàn nghệ thuật Thái Nguyên. Nỗi xúc cảm như càng trào dâng và lan tỏa.

Chương trình đã tái hiện lại lời dạy thiêng liêng của Bác trước lúc đi xa, cũng như việc thực hiện lời dạy của Người. Nhớ lời Di huấn thiêng liêng, cùng với cả nước, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã và đang làm theo lời Bác. Đêm truyền hình trực tiếp đặc biệt “Nhớ lời Di chúc, theo chân Bác” khép lại, nhưng tình cảm và nghĩ suy của mỗi người thì vẫn bâng khuâng. Trong giai điệu của ca khúc kết thúc chương trình “ATK nhớ mãi ơn Người”: “Như còn đâu đây bóng hình của Bác. Một ngày tháng 5, Bác về Phú Đình…”, trái tim lại tràn lên ước muốn:

Xin Bác cứ tập bài quyền buổi sáng
Như mọi ngày trời mới rạng đông.

(Một con người Chủ nghĩa Mác sinh ra - Hải Như)

  • Tố Hương - Duy Hưng