nhieu y kien dong gop vao du thao cuon bien nien lich su dang bo tinh thai nguyen 1936 2016
Đồng chí Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội thảo

Đề tài “Biên niên lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1936 - 2016” được thực hiện nhằm cụ thể hóa Đề án 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020”, đồng thời ghi lại những đóng góp và thành quả cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên trong 80 năm qua. Sau hơn 01 năm nghiên cứu, biên soạn, biên tập, đến nay, dự thảo cuốn Biên niên lịch sử đã hoàn thành gồm 6 phần về: Đặc điểm kinh tế - văn hóa - xã hội và phong trào yêu nước của nhân dân Thái Nguyên từ ngày thực dân Pháp xâm lược đến xây dựng tổ chức Đảng đầu tiên ở La Bằng vào cuối năm 1936; lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên qua các giai đoạn, từ năm 1936 đến năm 2016.

Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp của các đại biểu và nhà nghiên cứu lịch sử; trong đó, tập trung làm rõ tính cấp thiết, ý nghĩa và giá trị khoa học, giá trị sử dụng, ứng dụng của Đề tài. Đồng thời, các nhà nghiên cứu lịch sử cũng có ý kiến về việc chỉnh sửa tiêu đề cuốn biên niên, sắp xếp các sự kiện theo từng giai đoạn; cần nêu rõ các nguồn trích dẫn; cân nhắc lược bớt một số nội dung trùng lặp, không cần thiết; bổ sung một số sự kiện gắn với hoạt động thực tiễn,…

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc biên soạn cuốn Biên niên lịch sử trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống các mạng, lịch sử địa phương, bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng chí đã tiếp thu và ghi nhận các ý kiến thảo luận, mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp thời gian tới; đồng thời yêu cầu các thành viên Ban biên soạn Đề tài trên cơ sở các ý kiến tại hội thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, biên tập và hoàn chỉnh các nội dung trong bản thảo để phục vụ cho lần hội thảo tiếp theo. Lãnh đạo các Ban phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo các phòng chuyên môn và các thành viên Ban biên soạn trong quá trình nghiên cứu, biên soạn các nội dung của Đề tài đảm bảo đầy đủ, chính xác, khoa học, ngắn gọn và đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra./.