Sáng nay (18/4), Sở Giáo dục–Đào tạo TPHCM tổ chức sơ kết dự án “Bữa ăn học đường”.

Dự án “Bữa ăn học đường” được triển khai tại hệ thống trường tiểu học trên địa bàn TPHCM từ năm học 2017-2018. Điểm chính của dự án là việc áp dụng ngân hàng thực đơn chuẩn do đơn vị tổ chức phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Giáo dục – Đào tạo nghiên cứu thực hiện nhằm giảm tỷ lệ béo phì cho học sinh và siết chất lượng bữa ăn bán trú tại các trường.

nhieu truong van ngai ap dung thuc don bua an hoc duong
(Ảnh minh họa)

Sở Giáo dục– Đào tạo TPHCM cho biết, mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng sau hơn một năm triển khai hiện chỉ mới 43% trong tổng số 274 trường tiểu học có bếp ăn bán trú tại 24 quận, huyện áp dụng 100% bộ thực đơn của dự án. 25% chỉ mới tham khảo thực đơn này, số còn lại chỉ triển khai vài ngày trong tuần.

Theo bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục–Đào tạo TPHCM, việc nhiều trường chưa quyết liệt trong việc triển khai dự án “Bữa ăn học đường” chủ yếu do ngại trong khâu chế biến vì bộ thực đơn mới yêu cầu khá nhiều món so với thực đơn trước kia của các trường.

Bên cạnh đó, nhiều trường vẫn còn đặt suất ăn công nghiệp nên chưa thể triển khai thực đơn của dự án. Thế nhưng, việc chưa coi trọng vấn đề cân bằng dinh dưỡng của đông đảo phụ huynh cũng như một số trường mới là rào cản lớn nhất khiến dự án chưa đạt được kết quả như mong muốn.

“Hiện nay, các em học sinh và của phụ huynh vẫn chưa nhận thức được vấn đề dinh dưỡng cho trẻ. Số lượng học sinh béo phì tại TPHCM rất cao và sẽ tăng theo hàng năm. Đây là yếu tố khiến chúng tôi cảm thấy lo lắng”.

Để siết chặt hơn chất lượng dinh dưỡng bữa ăn học đường, năm học tới, Sở Giáo dục–Đào tạo TPHCM đặt mục tiêu sẽ triển khai thực đơn của dự án tại 100% trường tiểu học có lớp ăn bán trú trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu các trường đặt suất ăn bên ngoài phối hợp với đơn vị cung cấp suất ăn thực hiện bộ thực đơn theo quy định./.