Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn đề nghị các trường đại học, cao đẳng huy động giảng viên tham gia coi thi, đảm bảo đúng Quy chế mỗi phòng thi có một giảng viên đại học và một giáo viên phổ thông.

Tuy nhiên, do thời điểm tổ chức thi THPT quốc vào cuối tháng 6, đang trong giai đoạn thi học kỳ, nên nhiều trường đại học khó huy động đủ số lượng giảng viên tham gia coi thi như yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, mỗi phòng thi sẽ có 1 cán bộ, giảng viên của trường đại học, cao đẳng và 1 cán bộ giáo viên các trường phổ thông. Dựa trên quy định này, sẽ có 50% giảng viên các trường đại học, cao đẳng tham gia coi thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

nhieu truong dai hoc kho huy dong giang vien coi thi thpt quoc gia
Nhiều trường đại học không thể huy động đủ giảng viên coi thi theo yêu cầu (Ảnh minh họa)

Ông Đồng Văn Hướng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trường sẽ huy động 350 cán bộ, giảng viên tham gia coi thi theo yêu cầu của Bộ, vì giảng viên trường có đủ. Một số cán bộ tham gia vào việc phục vụ là chính, còn coi thi thì huy động giảng viên. Đây là trách nhiệm. Thực tế như năm ngoái đi coi thi, tất cả chi phí là Bộ Giáo dục - Đào tạo chi trả hết”.

Tuy nhiên, một số trường cho biết, không huy động đủ số lượng giảng viên coi thi theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lý do là mọi năm kỳ thi THPT quốc gia tổ chức vào tháng 7, là thời điểm các trường đã kết thúc năm học nên việc huy động giảng viên tham gia kỳ thi THPT quốc gia không khó khăn gì.

Năm nay kỳ thi tổ chức vào cuối tháng 6, là thời điểm các trường vẫn đang thi học kỳ và chấm đồ án tốt nghiệp cho sinh viên, nên phải cân đối giảng viên để đảm bảo các hoạt động của trường theo kế hoạch từ đầu năm học.

Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Bộ đề nghị ĐH Bách khoa huy động 1.000 giảng viên, thế nhưng trường cũng có cái khó nên đề nghị là 800. ĐH Bách khoa có cán bộ giảng dạy là 1.000, cán bộ không phải giảng dạy cũng có, nhưng hiện nay đi nước ngoài cũng gần 200 người. Hơn nữa, các thầy vẫn phải giảng dạy kỳ hè, do vậy có đề nghị với bên Bộ là chấp nhận 800”.

Ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi cũng cho biết, trường đã chủ động điều chỉnh lịch thi học kỳ của một số môn học và các hoạt động khác để tập trung cán bộ, giảng viên tham gia coi thi kỳ thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, các Hội đồng chấm đề án tốt nghiệp của hệ đại học và cao học thì không thể điều chỉnh vì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tốt nghiệp của sinh viên và học viên. Vì vậy, trường chỉ huy động được 400 cán bộ, giáo viên trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị trường cử 600 cán bộ, giảng viên tham gia coi thi.

Ông Trần Khắc Thạc nói: “Khác với những năm trước, do các trường tự tổ chức thì các trường có thể huy động thêm một số đối tượng như nghiên cứu sinh, học viên cao học hoặc là những sinh viên, cán bộ lớp của năm cuối tham gia cùng công tác coi thi của nhà trường.

Tuy nhiên năm nay trường đi phối hợp với địa phương, do vậy nhà trường chỉ huy động cán bộ, giảng viên và không huy động sinh viên và học viên nghiên cứu sinh như mọi năm. Đây cũng là một khó khăn cho các trường vì như vậy số lượng mà Bộ mong muốn sẽ không đáp ứng được 100%”.

Cũng theo các trường đại học, cao đẳng, việc huy động lượng lớn cán bộ, giáo viên về các địa phương coi thi cũng gây tốn kém, vất vả cho các trường trong việc di chuyển, tổ chức ăn, ở trong các ngày thi, đặc biệt là với các điểm thi ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, các trường đều khẳng định, việc đưa cán bộ, giảng viên đại học về các điểm thi coi thi là cần thiết, để kỳ thi diễn ra khách quan, các trường đại học cũng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển./.