Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, lượng người sử dụng công nghệ của hệ thống ngân hàng còn thấp, khoảng 1/2 dân số Việt Nam, tương đương 45 triệu dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thanh toán tiền mặt vẫn phổ biến ở nhiều nơi, đây là một trong những trở ngại cho việc phát triển ứng dụng công nghệ thanh toán mới tại Việt Nam.

nhieu tro ngai phat trien thanh toan dien tu tai viet nam
Thanh toán điện tử hiện vẫn gặp nhiều trở ngại tại Việt Nam. (Ảnh:KT)

Thị trường thanh toán điện tử Việt Nam đang trong giai đoạn cạnh tranh quyết liệt vì nhiều đối thủ nước ngoài có thế mạnh, đã và đang đổ bộ vào bằng nhiều cách, như: VNPay, Momo, Payoo… Gần đây xuất hiện thêm Samsung Pay, và Alipay, Amazon... sẽ tham gia tại thị trường.

Bên cạnh đó, sử dụng thẻ, chạm điện thoại hay thanh toán thông qua mã QR đang là những loại hình thanh toán hiện đại góp phần giúp cho mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam sẽ xuống dưới 10%.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng chuẩn công nghệ cho loại hình thanh toán điện tử này còn khá lộn xộn. Đó là việc thanh toán thông qua mã QR, hiện các ngân hàng, trung gian thanh toán và các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ đang xây dựng cho mình mỗi nơi một chuẩn công nghệ riêng, không thể liên thông với nhau….

Ngoài việc chưa đồng nhất trong ứng dụng, một trong những trở ngại khiến việc áp dụng thanh toán điện tử ở Việt Nam còn gặp khó khăn đó là người tiêu dùng còn e ngại, chưa muốn sử dụng thanh toán điện tử do lo ngại mất an toàn trong giao dịch.

Có thể kể đến một số trường hợp, sáng 12/2/2018, một số khách hàng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại Thái Nguyên đã bất ngờ nhận được một loạt tin nhắn thông báo biến động số dư trong tài khoản của mình. Thông báo đầu tiên các khách hàng này nhận được là xem số dư trong tài khoản, sau đó các giao dịch rút tiền diễn ra liên tiếp, với số tiền 3 triệu đồng/lần giao dịch cho tới khi hết tiền trong tài khoản.

Một khách hàng khác bị mất gần 12 triệu đồng trong tài khoản trong khi thẻ vẫn cất trong ví. Khi lên mạng xã hội chia sẻ thì có nhiều người cũng gặp tình trạng tương tự...

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thanh toán điện tử ở Việt Nam hiện nay thực sự là một cuộc chơi đầy thách thức. Có 2 yếu tố gây cản trở quá trình thanh toán này, đó là chúng ta chưa thực sự làm chủ nền tảng công nghệ, vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài, từ máy chủ cho tới hệ thống đường truyền và các yếu tố đảm bảo an ninh an toàn khác liên quan đến thông tin mạng.

Thứ 2, các cơ sở pháp lý để điều chỉnh những tranh chấp xảy ra (nếu có) chưa thật sự đảm bảo yên tâm cho người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng cảm thấy e ngại sử dụng dịch vụ. Với các thanh toán mang giá trị lớn, họ vẫn phải sử dụng phương tiện thanh toán khác để đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thanh toán điện tử nhiều hơn, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục rà soát, bao quát tình huống, tạo cơ sở pháp lý để các bên làm việc chặt chẽ, đồng thời có thể xử lý tình huống khi có các tranh chấp xảy ra.

Cùng với đó, các đơn vị liên quan tới công nghệ thông tin, hạ tầng cần đầu tư, xác lập các đường truyền và cơ sở dữ liệu, hệ thống an ninh mạng thật tốt để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử./.