Đó là thông tin được hãng tin Reuters dẫn lại từ các nguồn thạo tin ngày 10/12. Hãng tin này mô tả Tổng công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là "một tài sản hấp dẫn" trong thị trường bia có tính hợp nhất cao trên toàn cầu.

Việc bán đấu giá lên tới 54% cổ phần (trị giá gần 5 tỉ USD) của Sabeco "đã mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất bia thế giới tiếp cận thị trường đang phát triển nhanh nhờ dân số trẻ và văn hóa uống bia", Reuters viết.

Trong số các tập đoàn nước ngoài, Thai Beverage, do ông trùm Charoen Sirivadhanabhakdi kiểm soát, đang cho thấy nhiều cơ hội sẽ bỏ thầu cao nhất, theo Reuters. "Họ đang cố gắng tận dụng cơ hội lần này để mở rộng thị trường bên ngoài thị trường nội địa vốn đã quá quen thuộc", Reuters nhận xét.

nhieu tap doan bia lon xep hang mua co phieu sabeco
Một góc dây chuyền sản xuất Nhà máy bia Sài Gòn

Hồi tháng trước, một đơn vị của Thai Beverage đã mua 49% cổ phần của một công ty Việt Nam. Khả năng cao là nhà đầu tư đến từ Thái Lan sẽ sử dụng công ty này như một phương tiện để giành lợi thế trước các nhà đầu tư khác trong thương vụ Sabeco.

Đại diện của Thai Beverage đã không bình luận lập tức theo yêu cầu của Reuters. Hồi tháng 10, tập đoàn này không giấu diếm tham vọng bành trướng thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập tại thị trường nước ngoài như Việt Nam. Các công ty do Sirivadhanabhakdi kiểm soát cũng nắm 19% cổ phần trong Vinamilk của Việt Nam.

Thai Beverage là nhà sản xuất đồ uống lớn nhất Thái Lan với mức giá trị vốn hoá 4 tỷ USD, thuộc Tập đoàn TTC của tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi, hoạt động trong 4 lĩnh vực là rượu mạnh, bia, đồ uống không cồn (NAB) và thực phẩm. TTC được thành lập năm 1960, hiện có 60.000 nhân viên và hoạt động trong các lĩnh vực đồ uống và thực phẩm (F&B), công nghiệp và thương mại, tài chính và bảo hiểm, bất động sản…

Đại diện AB InBev, nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới, cho biết công ty luôn gắn bó và mong muốn làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Phía Kirin Holdings cho biết đã cân nhắc kỹ các quyết định của mình trong thương vụ Sabeco.

Các nhà đầu tư tiềm năng khác bao gồm Asahi Group Holdings, San Miguel và thậm chí là Heineken, tập đoàn đã có quá trình làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Heineken, đơn vị đã sở cổ phần của Sabeco từ trước, đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Phía Asahi nói không thể đưa ra nhận xét ngay lập tức. Tuy nhiên hồi tháng 9 rồi, công ty của Nhật Bản này tiết lộ họ có hứng thú và đang quan tâm đến Sabeco. Chủ tịch của San Miguel, Ramon Ang, cho biết tập đoàn Philippine quan tâm đến việc đấu giá cổ phần của Sabeco. Kirin sở hữu khoảng một cổ phần Nhà máy bia San Miguel.

Reuters nhận xét quy định về sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang khiến cuộc đua tranh thêm kịch tính. Thực tế các nhà đầu tư ngoại đã sở hữu 10% cổ phần của Sabeco, điều đó đồng nghĩa những tập đoàn đến sau sẽ chỉ có thể chia 39% còn lại.

Một nguồn tin của Reuters kì vọng những tập đoàn bia toàn cầu, sau khi hoàn tất thương vụ, sẽ bán những loại bia chất lượng của mình như Budweiser, Heineken và Kirin qua mạng lưới của Sabeco tại Việt Nam, bên cạnh các sản phẩm hiện có của Sabeco như 333 và bia Sài Gòn.

Nhà đầu tư ngoại chỉ những bất cập

Theo Reuters, dù thương vụ Sabeco rất đáng chú ý và là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam, vẫn còn những điều mà các nhà đầu tư nước ngoài cho là bất cập và "khó hiểu".

Lấy ví dụ như việc cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư ngoại. Mặc dù việc bán cổ phần tại Sabeco đã được biết đến từ lâu, song những chi tiết về quy mô, giá cả của đợt thoái vốn chỉ được công bố vào tuần cuối của tháng 11. Điều đó đồng nghĩa những nhà đầu tư thực sự quan tâm sẽ chỉ có 3 tuần để chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, hoàn thành các thủ tục liên quan và thu xếp tiền đặt cọc, mở tài khoản.

Thêm vào đó, không giống như các cuộc đấu giá quen thuộc ở các thị trường phát triển, nơi mà các nhà đầu tư có thể được điều chỉnh mức giá mua trong một vài vòng, các nhà đầu tư quan tâm Sabeco cần phải nộp một mức giá duy nhất cho một số lượng cổ phần cụ thể được đặt trong một phong bì niêm phong.

Các hồ sơ tham dự đấu giá sẽ được xếp hạng theo giá đăng ký mua, vì vậy nhà đầu tư trả giá cao nhất sẽ mua được số cổ phần đăng ký và lượng cổ phần còn lại sẽ được bán cho các nhà đầu tư với mức giá thấp hơn tiếp theo.

Ví dụ, nếu một nhà đầu tư nước ngoài muốn mua 25% cổ phần của Sabeco và giá của công ty này đưa ra là cao nhất, họ sẽ giành được toàn bộ 25% cổ phần đó. 14% cổ phần còn lại sẽ được bán cho các nhà đầu tư còn lại đã đưa ra mức giá ban đầu thấp hơn.

Điều này sẽ khiến những nhà đầu tư có mong muốn mua 26% hay thậm chí 39% cổ phần sẽ không có được cổ phần như mong muốn vì đã đưa ra giá thấp hơn người muốn mua 25% cổ phần nói trên.

"Mọi người biết quá trình này không ổn và họ đang cố giải quyết vấn đề", đại diện một ngân hàng nói với Reuters./.