nhieu kho khan trong xay dung nong thon moi o van lang
Đa số các tuyến đường giao thông ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đều là đường đất và có nhiều dốc cao.

Ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: Toàn xã có trên 1.300 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu, trong đó 70% là đồng bào các dân tộc thiểu số. Xã có 16 xóm thì 5 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn,có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Thực hiện Chương trình XDNTM, đến nay Văn Lăng đã hoàn thành được 8 tiêu chí, gồm: Quy hoạch, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; an ninh, trật tự xã hội; văn hóa; bưu điện; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; hình thức tổ chức sản xuất; y tế; giáo dục.

Để thực hiện 11 tiêu chí chưa hoàn thành, xã đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nan giải nhất là tiêu chí giao thông. Trên địa bàn có khoảng 25km đường liên xã thì đến nay mới chỉ trải nhựa được hơn 4km; đường trục xóm có gần 100km mới bê tông hóa được hơn 15km, trong đó 2/3 chiều dài đường bê tông ở xã được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng thì mới có được kết quả trên. Còn lại phần lớn đường giao thông ở các xóm hiện vẫn là đường đất, sỏi. Nguyên nhân khiến cho đường bê tông ở đây khó thực hiện là do tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên khó huy động tiền đối ứng từ nhân dân địa hình của xã rộng, nhiều đồi núi, đường giao thông dài gấp nhiều lần so với các xã khác, trong khi đó dân cư lại sinh sống thưa thớt, thậm chí mỗi hộ sống cách nhau cả một quả đồi nên muốn làm được đường bê tông đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn… Chị Triệu Sinh Minh, ở xóm Liên Phương cho biết: Đường sá đi lại khó khăn nên hạt ngô, hạt gạo người dân làm ra nếu không “cõng” ra ngoài bán mà để thương lái đến xóm thu mua thì giá giảm mất 1.000-2.000 đồng so với bên ngoài. Khổ nhất là bọn trẻ đi học, những khi trời mưa là lấm lem bùn đất hết cả.

Không chỉ loay hoay với bài toán khó giải về giao thông, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo cũng là những trở ngại lớn của Văn Lăng. bởi cơ cấu kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm chủ yếu. Nguồn sống chính của người dân nơi đây là ngô, lúa nhưng do phần lớn diện tích đất ở xã là đồi núi, không chủ động được nguồn nước tưới nên việc sản xuất nông nghiệp không được thuận lợi. Thêm vào đó, các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ rất chậm phát triển, công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn còn nhiều hạn chế nên việc tăng nguồn thu nhập cho người dân là điều rất khó thực hiện. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở xã chiếm khoảng 60%, thu nhập bình quân mới đạt 13 triệu đồng/người/năm. Để tăng mức thu nhập cho người dân, thời gian qua xã đã thực hiện nhiều giải pháp như khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là phát triển cây chè lai và nhân rộng các mô hình chăn nuôi dê. Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, thiếu nguồn vốn đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng ở Văn Lăng gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi, trường học… đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng do đời sống còn nhiều khó khăn nên sự đóng góp của nhân dân không đáng kể. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp ở xã gần như không có, kinh phí thực hiện chương trình hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn hạn hẹp được phân cấp hàng năm, số tiền này quá ít so với nhu cầu đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng. Điều này cũng khiến xã Văn Lăng khó hoàn thành được một số tiêu chí đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn như: cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, trường học, môi trường…

Khi được hỏi về những kiến nghị, đề xuất của địa phương, ông Hoàng Xuân Trường cho biết: Theo Đề án XDNTM của xã Văn Lăng, tổng nhu cầu vốn để xã hoàn thành 19 tiêu chí XDNTM phải mất hàng trăm tỷ đồng, đây là con số quá lớn, vượt xa khả năng huy động tài chính của xã. Để tiếp tục thực hiện chương trình XDNTM, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, xã Văn Lăng rất cần có sự quan tâm kịp thời của các cấp, ngành trong việc đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng. Các tiêu chí trong XDNTM cũng nên có sự điều chỉnh để phù hợp với tính đặc thù của các xã vùng cao đặc biệt khó khăn.