Trong đơn khiếu nại gửi VOV, thầy Lê Cà Lợi (ở xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) trình bày, thầy được tiếp nhận vào dạy tại trường tiểu học Trí Phải Tây (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) từ năm 2009.

Đến ngày 13/10/2018, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trí Phải Tây có Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với thầy nên từ tháng 10/2018 không được nhận lương. Đáng nói hơn, khi cắt hợp đồng, nhiều giáo viên trong trường đều không nghe nói tới chế độ gì dành cho mình.

nhieu giao vien o ca mau bi cat hop dong de nghi xem lai quyen loi
Thầy Lê Cà Lợi cho rằng, cần có hỗ trợ cho giáo viên bị cắt hợp đồng

Thầy Lê Cà Lợi chia sẻ: “Từ khi bị cắt hợp đồng, kinh phí trang trải trong sinh hoạt gia đình thiếu, phải đi làm thuê làm mướn kiếm lại. Theo tôi, khi cắt hợp đồng thì phải có chính sách nào đó cho giáo viên. Họ đang dạy mà bị cắt hợp đồng thì bị hụt hẫng về kinh tế gia đình”.

Cùng trường hợp như trên là cô Nguyễn Kiều Oanh (ở Phường Tân Xuyên, TP Cà Mau). Năm 2011, cô Oanh được hợp đồng làm việc tại trường Tiểu học Trí Phải Tây. Đến tháng 10/2018, cô Oanh cũng bị Hiệu trưởng trường Tiểu học Trí Phái Tây chấm dứt hợp đồng như nhiều giáo viên khác.

Ngoài việc phải nuôi 2 con ăn đi học, số tiền cô Oanh vay ngân hàng bằng chính bảng lương của mình nên phải dựa vào đồng lương của người chồng chi trả. Theo cô Oanh, việc cắt hợp đồng của cô là chưa đúng, chưa đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.

“Trong vấn đề chấm dứt hợp đồng, tôi thấy còn nhiều bất cập. Ngày xưa, hợp đồng của tôi do huyện ký nhưng khi chấm dứt thì hiệu trưởng ký. Trong việc chấm dứt hợp đồng, theo quy định thì tôi chưa được nhận quyền lợi. Tôi chỉ được hưởng bảo hiểm do chúng tôi đóng vào”, cô Oanh nói.

nhieu giao vien o ca mau bi cat hop dong de nghi xem lai quyen loi
Theo cô Nguyễn Kiều Oanh, hiệu trưởng trường Trí Phải Tây, việc cắt hợp đồng của cô là chưa đúng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại trường Tiểu học Trí Phải Tây, huyện Thới Bình có 8 giáo viên, nhân viên bị cắt hợp đồng. Nguyên nhân cắt hợp đồng xuất phát từ việc sắp xếp lại trường lớp giáo viên theo chủ trương của tỉnh. Mở rộng ra trên toàn địa bàn huyện Thới Bình, có 268 giáo viên, nhân viên hợp đồng thì có 143 giáo viên, nhân viên bị cắt hợp đồng trong tháng 10/2018. Sự việc đang gây bức xúc trong dư luận ở Cà Mau.

Phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình nhưng không được. Còn ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng – người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau cho biết, sẽ kiểm tra lại vấn đề này.

“Việc cắt hợp đồng giáo viên tại huyện Thới Bình thì tôi chưa nắm. Nhưng cái quan tâm nhất về chế độ chính sách thì mình phải đảm bảo, không thể không đảm bảo được. Về chế độ chính sách phải thực hiện đúng. Chúng tôi sẽ rà soát lại và sẽ thông tin lại vấn đề này”, ông Trần Văn Dũng cho biết.

nhieu giao vien o ca mau bi cat hop dong de nghi xem lai quyen loi
Tại trường Trí Phải Tây, có nhiều giáo viên, nhân viên bị cắt hợp đồng

Ngoài trường hợp cô Oanh, thầy Lợi, chúng tôi còn nhận được nhiều đơn phản ánh của các giáo viên khác tại huyện Thới Bình như: thầy Diệp Văn Đỉnh (xã Thới Bình); thầy Trần Đẳng Em (xã Trí Phải)...

Trong đó, có những vấn đề đặt ra trong việc cắt hợp đồng giáo viên chưa đúng. Đặc biệt, có những giáo viên đang giữ chức vụ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn trường cũng bị cắt hợp đồng sai quy định. Hiện ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã vào cuộc kiểm tra, làm rõ việc sắp xếp trường lớp, giáo viên tại huyện Thới Bình. VOV sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này./.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có Quyết định thành lập Tổ kiểm tra việc tổ chức thực hiện sắp xếp giáo viên tại huyện Thới Bình, gồm: Lãnh đạo Sở Nội vụ làm Tổ trưởng. Đại diện Sở GD-ĐT; Sở Tài chính; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là thành viên.

Tổ kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc sắp xếp giáo viên trên địa bàn huyện Thới Bình; Kiểm tra việc thực hiện các chính sách đối với giáo viên trong quá trình sắp xếp và một số nhiệm vụ khác.