nhat ban phong ve tinh theo doi khi nha kinh
Tên lửa đẩu H-2A đưa vệ tinh rời bệ phóng hôm 29/10. Ảnh: Japanese Times.

Ibuki-2, vệ tinh theo dõi khí nhà kính của Nhật Bản hôm qua chính thức được phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở phía tây nam nước này, AFP đưa tin. Tên lửa đẩy H-2A đưa vệ tinh rời bệ phóng vào lúc 13h08 theo giờ địa phương và sau khoảng 16 phút, Ibuki-2 được triển khai và đi vào quỹ đạo theo đúng dự tính.

Vệ tinh do Cơ quan Thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi hợp tác phát triển sẽ hoạt động ở độ cao 613 km so với mặt đất, thu thập dữ liệu liên quan đến lượng phát thải khí nhà kính như CO₂, NO₂ và methane tại 56.000 điểm trong bầu khí quyển, đồng thời giám sát tình trạng ô nhiễm không khí bằng cách đo nồng độ bụi mịn PM 2.5.

Dữ liệu sẽ được sử dụng để đánh giá xem các quốc gia thực hiện cam kết cắt giảm khí thải nhà kính như thế nào theo Hiệp định Paris năm 2015 về chống biến đổi khí hậu. Dự án Ibuki-2 cũng được kỳ vọng sẽ giúp các nhà khoa học dự đoán những thay đổi trong tương lai và tìm kiếm giải pháp làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.

Trong lần phóng này, tên lửa H-2A còn mang theo vệ tinh quan sát Trái Đất KhalifaSat của Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đây là vệ tinh đầu tiên được phát triển hoàn toàn bởi các kỹ sư trong nước của UAE và là vệ tinh quan sát Trái Đất thứ ba của nước này sau DubaiSat-1 và DubaiSat-2.

"Vệ tinh KhalifaSat là một thành tựu chưa từng có của UAE. Giấc mơ chinh phục không gian của chúng tôi đã trở thành hiện thực", Thái tử Mohammed bin Zayed của Tiểu Vương quốc Abu Dhabi nhấn mạnh.

Thị trường phóng vệ tinh quốc tế là một nguồn doanh thu tiềm năng của Cơ quan Thám hiểm vũ trụ Nhật Bản và Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi. Dự kiến sẽ có thêm 5 vệ tinh được phóng lên bằng tên lửa đẩy H-2A của Nhật Bản trong thời gian tới.