Chính điểm tưởng như là mạnh nhất của đội tuyển Philippines, là sử dụng nhiều cầu thủ gốc châu Âu, lại là nhược điểm của họ.

Ngoài chuyện không thể toàn tâm toàn ý đá AFF Cup, vì còn phải phục vụ CLB chủ quản, sự nhuần nhuyễn của đội tuyển Philippines không cao, bởi cầu thủ của họ ít khi được tập trung cùng nhau. Chí ít, so về độ nhuần nhuyễn, đội tuyển Philippines chắc chắn không thể sánh với đội tuyển Việt Nam.

Trong suốt 1 năm qua, hầu hết các tuyển thủ Việt Nam hiện tại được thi đấu chung với nhau rất nhiều, từ CLB cho đến các đội tuyển, qua nhiều giải từ quốc gia cho đến quốc tế, nên họ hiểu nhau.

nhan dien thuc luc cua doi tuyen philippines

Philippines là đội có khả năng ghi bàn kém nhất trong số 4 đội vào bán kết AFF Cup 2018

Cho đến sau vòng đấu bảng, Philippines chỉ mới ghi được 5 bàn thắng sau 4 trận, bình quân chỉ 1,25 bàn/trận, là đội có số bàn thắng bình quân thấp nhất trong số các đội vào bán kết.

Con số bàn thắng, số bàn thắng trung bình của Philippines tính từ đầu AFF Cup tới nay thua xa Thái Lan (15 bàn, bình quân 3,75 bàn/trận), đồng thời kém so với 2 đội khác đã giành quyền vào bán kết là đội tuyển Việt Nam (8 bàn, bình quân 2 bàn/trận) và Malaysia (7 bàn, bình quân 1,75 bàn/trận).

Số bàn thắng ít ỏi có thể xuất phát từ chuyện Philippines rơi vào bảng khá nặng (gồm Thái Lan, Singapore, Indonesia, Timor Leste và Philippines), nhưng mặt khác cũng thể hiện sự nhuần nhuyễn trong khâu phối hợp của Philippines không cao, các tiền đạo của họ ít có cơ hội tiếp cận khung thành đối thủ hơn các đội khác.

Cùng bảng với Philippines, không tính Thái Lan ghi đến 15 bàn như đã nêu ở trên, đội bị loại Singapore cũng ghi được 7 bàn, trong khi 2 đội khác vốn cũng bị loại là Indonesia và Timor Leste lần lượt có số bàn thắng là 5 và 4, tức là ngang và gần bằng với đội bóng của HLV Sven Goran Eriksson.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Philippines dù “nhập khẩu” cầu thủ từ châu Âu gần chục năm nay, nhưng họ chưa bao giờ qua được vòng bán kết các kỳ AFF Cup.

Liên tiếp trong 3 kỳ giải 2010, 2012 và 2014, Philippines đều dừng chân tại bán kết. Và điều đáng nói hơn nữa, qua 3 lần đá bán kết theo thể thức lượt đi – lượt về, tức là qua tổng cộng 6 trận, Philippines chưa hề ghi bất cứ bàn thắng nào từ vòng bán kết AFF Cup trở đi. Chi tiết này được lặp đi lặp lại liên tục có lẽ cũng không phải là sự ngẫu nhiên.

Tức là sự yếu kém của hàng tấn công bên phía Philippines là sự yếu kém có thực. Sự thiếu nhuần nhuyễn của Philippines cũng là chi tiết có thực, khiến cho đội bóng này thường sau vòng bảng gây bất ngờ, vào đến bán kết là… hết bài, bị đối thủ phong toả toàn diện, rồi tắt đường vào khung thành đối phương.

Dĩ nhiên, Philippines với dàn cầu thủ trở về từ châu Âu có ưu thế về thể lực và thể hình, nhưng riêng năm nay, đội tuyển Việt Nam cũng có những cầu thủ sở hữu thể hình tốt, nên có lẽ không quá ngại yếu tố trên của đội bóng trong tay HLV Sven Goran Eriksson.

Ở chiều ngược lại, cầu thủ Philippines dù trở về từ châu Âu, nhưng chủ yếu là trở về từ các CLB trung bình hoặc hạng dưới tại châu Âu, nên trình độ không quá cách xa so với cầu thủ Đông Nam Á. Một đội bóng có kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm đối đầu với các cầu thủ ngoại ở giải trong nước có thể thi đấu sòng phẳng với Philippines.