Sự đa dạng, phong phú và giàu nội lực là những gì nhà văn trẻ mang đến cho đời sống văn học trong thời gian qua. Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ! Đích đến của văn học vẫn phải là những tác phẩm xứng tầm và có giá trị lâu bền với thời gian. PV VOV trao đổi với nhà văn Đỗ Tiến Thụy, Trưởng ban Văn xuôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội xung quanh chủ đề này.

PV: Là giám khảo cuộc thi truyện ngắn "Lửa mới" do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, ông nhận xét gì về sự xuất hiện của các cây viết trẻ trên văn đàn hiện nay?

Nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ: Trước hết, chúng ta cần xác định rõ khái niệm thế nào là nhà văn trẻ? Ở đây, tôi muốn khu biệt những tác giả dưới 30 tuổi sẽ dễ đánh giá hơn. Theo sự quan sát của tôi, văn xuôi đòi hỏi vốn trải nghiệm dày, không dành cho những người còn mỏng vốn sống. Hiện tại có một thực trạng là những cây viết trẻ luôn muốn thể hiện mình. Khi đọc văn bản của các tác giả trẻ thì không thể chê vào đâu được về kỹ thuật, cú pháp… song lại thấy thiếu chất sống, thấy xa lạ hiện thực.

PV: Những cây bút như Nguyễn Minh Nhật, Vũ Phương Thanh… và nhiều cây viết trẻ khác đã dám dấn thân vào văn chương và thể hiện những vấn đề xã hội đương đại một cách rõ nét. Qua nhiều năm theo dõi, ông đánh giá thế nào về sức nặng và chất lượng tác phẩm của các tác giả trẻ?

nha van tre co voi vang khi nhap cuoc
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy, Trưởng ban Văn xuôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ: Vấn đề này phải tuỳ theo tiêu chí của từng tờ báo. Với Văn nghệ Quân đội chúng tôi, khi phát động cuộc thi Lửa mới, chúng tôi nêu rõ tiêu chí đề cao tác phẩm bám sát hiện thực cuộc sống. Song cũng có tờ báo đề cao ý tưởng. Theo cá nhân tôi, văn chương dù ý tưởng gì vẫn phải đi vào lòng người, phải tạo được sự tin cậy. Văn chương không chỉ coi trọng thủ pháp, mà vấn đề còn là nội dung nữa.

Theo quan sát của tôi, tác phẩm của những người trẻ gần đây đã bắt nhịp được những vấn đề gai góc: cuộc chiến chống tham nhũng, bi kịch của những người trẻ trong cuộc sống hiện đại…

PV: Hiện nhiều cây viết trẻ cũng đã mạnh dạn thể hiện quan điểm của mình. Theo đánh giá của ông, điểm mạnh và điểm yếu của họ như thế nào?

Nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ: Tôi thấy, hầu hết các cây viết trẻ hiện nay đều thạo nghề, biết vận dụng các thủ pháp… Hiện nay, văn hoá Internet tạo ra mạng xã hội đình đám, những ý kiến công dân được thể hiện trên mạng xã hội, song thể hiện như thế nào đòi hỏi trình độ của mỗi người. Tôi đọc tác phẩm của các cây viết trẻ, họ xông xáo nhưng đôi khi vì nhanh quá nên họ hơi gồng lên. Chúng tôi quan tâm là họ phải thể hiện hay, chứ không chỉ dừng lại ở việc dám xông vào những đề tài gai góc.

Nhà văn Nguyên Hồng 17 tuổi đã viết “Bỉ vỏ”, nhưng vì ông đã lặn ngụp cuộc sống từ năm 13, 14 tuổi rồi. Nhiều cây viết 30 tuổi sáng tạo tác phẩm nhưng thiếu chất sống, tôi vẫn nói là các bạn ấy viết bằng mắt, bằng tai. Nhiều bạn chỉ cần đọc tin tội phạm ở trên mạng, về nhà có thể chế ra thành câu chuyện. Những tác phẩm đó rất khó lay động độc giả, vì người ta cảm thấy rất giả tạo.

PV: Ông suy nghĩ như thế nào về việc nhiều tác giả trẻ khai thác đề tài lịch sử, có thể kể đến Lưu Sơn Minh với “Trần Khánh Dư”, Huỳnh Trọng Khang với “Mộ phần tuổi trẻ”?

Nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ: Chúng ta phân đề tài chỉ ở mức tương đối, cái cuối cùng vẫn là thông điệp đọng lại đằng sau những tác phẩm đó là gì. Điều đó tuỳ thuộc vào sở trường và hứng thú của mỗi tác giả. Mọi đề tài đều bình đằng, và chọn lựa đề tài nào cũng không phải là vấn đề. Vấn đề là chúng ta viết như thế nào thôi.

nha van tre co voi vang khi nhap cuoc
Nhược điểm lớn nhất của các cây viết trẻ hiện nay là thiếu chất sống.

PV: Ông có tin vào việc những cây viết trẻ có thực sự vững tâm, tự khẳng định mình và quyết tâm đi theo con đường văn chương vốn gập ghềnh hay không?

Nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ: Tôi tin họ. Mở ra các cuộc thi là sự hy vọng của chúng tôi ở các tác giả 8x, 9x. Xuất hiện một tác giả trên văn đàn là mừng lắm. Thực tế là văn chương giờ đây không còn được đậm đặc như chục năm về trước. Trước đây, khi tôi thi vào trường viết văn Nguyễn Du, chúng tôi viết, đọc cầu kỳ, nghiêm túc, mong dấn thân vào nghiệp văn chương đến đắm say. Các bạn trẻ bây giờ có nhiều lựa chọn hơn chúng tôi. Nhiều bạn tốt nghiệp các khoa văn học, viết văn nhưng có nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác nhau. Đôi khi văn chương không phải là lựa chọn duy nhất và tốt nhất trong sự nghiệp của họ.

PV: Anh mong muốn, kỳ vọng thế nào ở các tác giả trẻ qua cuộc thi “Lửa mới”?

Nhà văn Đỗ Tiến Thuỵ: Để tìm ra cái tên “lửa mới”, Ban biên tập báo Văn nghệ Quân đội mất khá nhiều thời gian. Chúng tôi đặt tên “lửa mới” với ý nghĩa mong muốn sinh nhiệt, đón đợi một lứa tác giả mới xuất hiện. Nhân tố trẻ là điều chúng tôi quan tâm nhất. Nếu các cuộc thi tổ chức mà không phát hiện được tác giả mới, giá trị mới, thì mới là thất bại. Hiện cuộc thi đã đi được nửa chặng đường, số lượng tác giả gửi về nhiều nhưng để in được còn rất khiêm tốn, mới chỉ chiếm 20%.

PV: Xin cảm ơn ông./.