Quảng Nam với gần 80% dân số là ND nên ngay từ ban đầu triển khai thực hiện chương trình, Hội ND tỉnh Quảng Nam xác định vai trò xung kích trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của ND là hết sức quan trọng. Trong đó, tập trung chỉ đạo các cấp Hội trong tỉnh tổ chức tuyên truyền phổ biến sâu rộng, nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên về chương trình một cách hiệu quả, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Xây dựng nội dung đưa vào sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ ND hoặc tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa, hội thi, hội thảo, văn nghệ, phát hành bản tin, xây dựng chuyên mục phát thanh ND, Nhịp cầu Nhà nông... thu hút hàng vạn ND tham gia.

nha nong xu quang xung kich xay dung nong thon moi

Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã giúp cho ND Quảng Nam giảm bớt chi phí, tăng thu nhập đáng kể từ trồng lúa. Ảnh: Đ.N

Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho ND sản xuất, tăng năng suất. Xây dựng các mô hình trình diễn để ND học tập và làm theo.

Từ năm 2011 - 2016, ND trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tích cực tham gia các phong trào xây dựng NTM, nhất là làm đường giao thông nông thôn, đóng góp công sức, tiền của để đầu tư cơ sở hạ tầng... Đến nay, ND trên địa bàn tỉnh đóng góp gần 930 tỷ đồng, hiến hơn 100.000m2 đất và hàng vạn ngày công để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và các công trình phúc lợi khác. Riêng trong năm 2016, Hội đã vận động ND đóng góp hàng nghìn ngày công lao động duy tu, bảo dưỡng và làm mới được 584km đường giao thông nông thôn; kiên cố hoá 743km kênh mương nội đồng...

Những năm qua, để giúp cho hộ viên ND phát triển kinh tế tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững, các cấp Hội ND ở Quảng Nam tích cực xây dựng các mô hình kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn... Nhất là, phong trào ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu. Riêng năm 2016, đã xây dựng được 226 mô hình dịch vụ tư vấn hỗ trợ ND và 271 mô hình kinh tế tập thể (chủ yếu là mô hình trồng trọt, chăn nuôi an toàn), phát huy hiệu quả và được nhân rộng. Có 63.677 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, giải quyết việc làm tại chỗ cho 1.300 lao động nông thôn, giúp hàng nghìn hộ khác thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ vật tư, cây, con giống, vốn...