Thông tin đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề về “Kết quả cơ cấu lại, cổ phần doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2018, giải pháp đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, cổ phần hóa DNNN trong giai đoạn tới” do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (28/3) tại Hà Nội.

nha may bot giay phuong nam dau tu hon 4000 ty dong ban khong ai mua
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính chia sẻ thông tin tại buổi họp báo.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Nhà máy bột giấy Phương Nam với tổng mức đầu tư là 1.487 tỷ đồng "đắp chiếu" gần 15 năm và đầu tư thêm 3.000 tỷ đồng để thanh lý, nhưng sau 3-4 lần đấu giá vẫn không có nhà đầu tư mua. Thậm chí, dù bán giá 1.000 tỷ đồng thì vẫn khó có nhà đầu tư nào mua.

Chia sẻ thông tin tại buổi họp báo, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, tính đến hết năm 2018, có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại. Việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN đề ra theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Cục Tài chính Doanh nghiệp cho hay, trong năm 2018, đã có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 20.278 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước nắm giữ 12.118 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.540 tỷ đồng; đấu giá công khai 5.429 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 179 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 7 tỷ đồng.

Năm 2018, đã có 28 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỷ đồng, thu về 21.827 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến, tiến độ triển khai cổ phần hóa trong năm 2018 còn chậm, chưa đạt kế hoạch. Nhiều đơn vị có số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ thực hiện.

Cụ thể, theo kế hoạch là năm 2018 thực hiện cổ phần hoá 64 doanh nghiệp, song hết năm mới thực hiện được 23 doanh nghiệp.

Ông Đặng Quyết Tiến nhận định, "năm 2018 chậm trễ thì năm 2019 áp lực sẽ lớn hơn. Kế hoạch năm nay là cổ phần hoá 19 doanh nghiệp, trong khi còn hơn 40 doanh nghiệp chưa cổ phần hoá từ năm ngoài. Nếu không có biện pháp quyết liệt thì không hoàn thành được".

Ông Đặng Quyết Tiến cũng cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, quản lý nhiều tài sản Nhà nước, đặc biệt là đất đai sẽ tồn tại nhiều vấn đề phức tạp.

Lý giải nguyên nhân về việc chậm cổ phần hóa DNNN, ông Tiến cho hay "Việc chậm cổ phần hoá vì doanh nghiệp còn vướng mắc, có vụ việc phải xử lý vi phạm như MobiFone, giờ phải giải quyết xong vụ MobiFone mua cổ phần AVG mới cổ phần hoá được. Chúng ta không thể cổ phần hoá khi vụ việc chưa được xử lý rốt ráo".

"Ngoài những nguyên nhân khách quan cũng có nguyên nhân chủ quan. Ví dụ Agribank, hệ thống ngân hàng lớn nên dù khởi động việc cổ phần hóa được 1,5 năm mà phương án sử dụng đai đất chưa hoàn thành nên chưa cổ phần hoá được. Ở đây, phương án phê duyệt sắp xếp, sử dụng đất đai thì theo quy định là địa phương làm phê duyệt kế hoạch mục đích sử dụng đất. Nếu địa phương không quyết liệt làm, đủng đỉnh thì doanh nghiệp chậm là đúng. Đó là Nhà nước chủ quan”, ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm.

Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp cũng thông tin, hiện Bộ TNMT đang xây dựng quy trình phê duyệt đất đai trong quá trình cổ phần hóa DNNN. Trên cơ sở đó giúp phân rõ được tại sao chậm và chậm ở khâu nào? Do doanh nghiệp hay do chính quyền địa phương... Từ đó, quy rõ trách nhiệm cho cá nhân, đơn vị làm chậm quá trình cổ phần hóa để có biện pháp xử lý./.