nguyen lieu che tao muc xanh cua nguoi ai cap co dai
Người Ai Cập cổ đại sử dụng mực trộn với đồng để viết lên sách giấy cói. Ảnh: Đại học Copenhagen.

Từ trước đến nay, giới khảo cổ cho rằng người Ai Cập cổ đại sử dụng mực đen có thành phần hoàn toàn là carbon cho đến thế kỷ thứ 4 và thứ 5. Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Scientific Reports hôm 10/11, các nhà khoa học tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch, phát hiện một điều khá thú vị, trái ngược với suy nghĩ trước đây. Đó là người Ai Cập trộn thêm đồng (Cu) vào mực carbon của họ.

Nhóm nghiên cứu sử dụng kính hiển vi X-quang để khảo sát tài liệu giấy cói của người Ai Cập có nguồn gốc từ nhiều khu vực địa lý khác nhau, có niên đại cách nhau khoảng 300 năm. Chúng nằm trong Bộ sưu tập sách giấy cói Carlsberg của Đại học Copenhagen.

Một số mảnh giấy cói có nguồn gốc từ các trang nhật ký của Horus, một người lính Ai Cập từng sống trong doanh trại quân đội ở thành phố Pathyris. Các mảnh còn lại là những bản thảo được khôi phục từ thư viện đền thờ Tebtunis.

"Thành phần của các loại mực carbon chứa đồng không có sự khác biệt đáng kể. Điều này cho thấy người Ai Cập cổ đại sử dụng công nghệ giống nhau để sản xuất mực trên khắp Ai Cập từ khoảng năm 200 trước Công nguyên đến năm 100", Thomas Christiansen, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Thành phần đồng trong mực viết của người Ai Cập được lấy chủ yếu trong các khoáng vật như cuprite (Cu2O), azurite (Cu3[CO3]2[OH]2) và malachite (Cu2CO3[OH]2). Những khoáng vật này xuất hiện dọc toàn bộ chiều dài của sa mạc phía đông và ở Sinai, Ai Cập. Người cổ đại sử dụng chúng để tạo ra sắc tố màu xanh dương và xanh lục.

Theo nhóm nghiên cứu, sự hiểu biết về thành phần chính xác của các loại mực cổ có thể giúp chúng ta đưa ra phương pháp tốt nhất để bảo quản hiện vật giấy cói cổ đại của người Ai Cập còn sót lại đến ngày nay.

Lê Hùng