Trắng tay vì ngao

Được biết toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 1.500 ha nuôi ngao, đến nay hơn 1/3 diện tích đã xuất hiện tình trạng ngao chết bất thường, trong đó nhiều khu vực ngao chết trắng bãi với tỷ lệ 100%. Đáng lo ngại, tình hình trên chưa cho thấy dấu hiệu dừng lại mà đang có chiều hướng lan rộng ra những vùng nuôi khác. Đến thời điểm này, sau huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa, mới đây tại huyện Nga Sơn đã phát hiện có thêm 120 ha nuôi ngao gặp phải tình cảnh tương tự.

nguoi nuoi ngao lao dao nhung ngay can tet

Ngao tại nhiều địa phương của Thanh Hóa chết hàng loạt

Dọc khắp bãi triều nuôi ngao của người dân xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, mỗi khi nước triều xuống, xác ngao chết trắng bãi. Những năm trước, thời điểm này là vụ thu hoạch ngao, nhưng giờ đây người nuôi ngao phải chạy đôn, chạy đáo thuê nhân công chỉ để thu dọn xác ngao chết để làm sạch đầm nuôi.

Gia đình ông Phạm Văn Ba nuôi 4ha, chi phí đầu tư tiền giống lên đến hàng tỷ đồng. Hơn 10 năm nuôi ngao, năm nào cũng xảy ra tình trạng ngao chết nhưng chỉ khoảng 10 - 20%, chưa bao giờ gia đình ông gặp phải tình cảnh thê thảm như lúc này. Tình trạng ngao chết khiến gia đình ông không biết lấy đâu ra nguồn để trả nợ. Không những ngao thương phẩm chết mà ông Ba còn cung ứng ngao giống cho nhiều hộ nuôi ngao tại đây. Tình trạng ngao chết bất thường khiến anh phải bồi thường hơn 1 tỷ đồng ngao giống.

nguoi nuoi ngao lao dao nhung ngay can tet

Hàng trăm héc ta ngao xuất hiện tình trạng ngao chết

nguoi nuoi ngao lao dao nhung ngay can tet

Người dân phải thuê người thu dọn xác ngao chết để làm sạch đầm nuôi

Cũng như gia đình ông Ba, gia đình ông Mai Văn Thủy, ở thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc, nuôi 2 héc ta ngao thịt với số vốn đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Trong đó, gia đình ông đã phải vay mượn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 400 triệu. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư vào đầm ngao nhưng chưa được thu hoạch, giờ gia đình ông còn phải thuê nhân công mỗi ngày hơn 100.000 đồng, chưa kể ăn uống để thu dọn ngao.

Không chỉ gia đình ông Ba, ông Thủy mà còn hàng trăm hộ gia đình nuôi ngao khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi bao vốn liếng đổ vào con ngao, giờ ngao lăn ra chết khiến người nuôi như ngồi trên đống lửa. Theo thống kê, trên địa bàn xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc có tổng cộng 248 hộ nuôi ngao, thì tình trạng ngao chết gần như không trừ hộ nào. Những ngày cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu, tình trạng ngao chết khiến nhiều hộ gia đình không còn tâm trí nghĩ đến Tết.

Đang xác định nguyên nhân ngao chết

Theo nhận định của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, ngao nuôi tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc chết hàng loạt không phải do tác nhân vi khuẩn và vi rút gây ra. Tuy nhiên, ngao nuôi rất gầy cho thấy ngao được nuôi với mật độ dày. Đồng thời, yếu tố môi trường nuôi cơ bản và tảo độc hại không là nguyên nhân gây ra hiện tượng ngao chết hàng loạt.

nguoi nuoi ngao lao dao nhung ngay can tet

Không những mất trắng, nhiều hộ gia đình còn phải bỏ tiền thuê nhân công dọn xác ngao

nguoi nuoi ngao lao dao nhung ngay can tet

Xác ngao chết chất đống

Đối với một số độc tố hóa học trong nguồn nước và chất xả thải, hiện 5 mẫu (bao gồm 3 mẫu thu từ phi nhựa là sản phẩm thải từ chế biến mực và 2 mẫu nước thu từ vùng nuôi ngao) đang được gửi đi phân tích độc tố hóa học. Hiện các ngành chức năng đang đợi kết quả phân tích để có kết luận nguyên nhân khiến ngao chết hàng loạt.

Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Thú y, Phòng nuôi trồng thủy sản, Ban quản lý nguồn lợi ven bờ vì sự phát triển bền vững thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, xã tổng hợp tình hình, thống kê thiệt hại. Đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi thu gom, xử lý ngao chết bằng cách chôn lấp cách xa khu vực nuôi, tránh gây ô nhiễm sang các vùng nuôi khác. Đối với ngao đạt kích cỡ, khuyến cáo người dân triển khai thu hoạch sớm, với những bãi nuôi có mật độ dày cần phải san thưa hoặc di chuyển ngao đến vùng nuôi có các yếu tố môi trường ổn định.

nguoi nuoi ngao lao dao nhung ngay can tet

Hiện người dân đang mong muốn các ngành chức năng làm rõ nguyên nhân ngao chết

Trước thực trạng nêu trên, tại cuộc họp tổng kết công tác chăn nuôi - thú y, thủy sản năm 2016 của Sở NN-PTNT, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở NN-PTNT cần phải đấu mối với các đơn vị liên quan, khẩn trương xác minh nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngao chết hàng loạt vừa qua.

Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, vào lúc 4h30 ngày 31/12/2016, một số hộ dân nuôi ngao ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc đã mật phục, bắt quả tang vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ, ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc chở theo 14 thùng phuy loại 50 lít chứa chất thải chế biến mực để đổ xuống khu vực nuôi ngao. Bước đầu, Vợ chồng ông Thành khai nhận đang làm công nhân cho cơ sở chế biến hải sản Hoàng Thắng, ở xã Ngư Lộc và được thuê chở các thùng chất thải đổ ra biển với giá 200 nghìn đồng/chuyến.

nguoi nuoi ngao lao dao nhung ngay can tet

Nhiều hộ gia đình nuôi ngao lao đao những ngày cận Tết do ngao chết

Theo kết quả phân tích mẫu tang vật do Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT thực hiện, nhiều chỉ tiêu đều vượt gấp nhiều lần quy chuẩn cho phép. Cụ thể, hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra (BOD5) trong mẫu lấy từ các thùng chất thải cao hơn từ 1.520 đến 1980 lần; hàm lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ (COD) vượt từ 633,5 đến 816,2 lần; chất axit NH4+ vượt từ 102,7 đến 128,52 lần. Đặc biệt, hàm lượng chất Cadimi (kim loại nặng), vốn là một kim loại chuyển tiếp tương đối hiếm, mẫu cao nhất (thùng số 2) vượt đến 1.500 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải.