Sáng 20/2, tức mùng 5 Tết Mậu Tuất, tôi đang trực ở đơn vị thì nhận được điện thoại của một đồng chí chỉ huy Phòng Tổ chức cán bộ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Chị nói với tôi trong nghẹn ngào: “Bà Thuận mất rồi anh ạ…!”. Dẫu sự ra đi của bà Thuận cũng là quy luật của tạo hóa, nhưng đối với mỗi cán bộ, chiến sỹ Cảnh vệ chúng tôi không ai cầm được nước mắt, bởi bà là một người lãnh đạo trách nhiệm, nhiệt tình, đời thường bà như người mẹ, người bà mẫu mực.

nguoi dich buc dien lich su cua bac ho da ra di 49491
Thủ tướng Phan Văn Khải; Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đại biểu dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ CAND Việt Nam năm 2003. Bà Nguyễn Thị Bích Thuận đứng hàng đầu, thứ hai từ phải sang.

Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ, tham gia cách mạng từ ngày tiền khởi nghĩa, kinh qua nhiều vị trí công tác, trên nhiều lĩnh vực; đặc biệt là có 22 năm vinh dự làm công tác kiểm nghiệm thức ăn, nước uống bảo vệ Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Sinh năm 1922 trong một gia đình công nhân tại làng Lãng Yên - tổng Thanh Nhàn (nay là phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Mồ côi mẹ từ nhỏ, nhưng nghe lời dạy của cha: "Phải học để có một cái nghề nương thân". Ngay từ nhỏ, ngoài thời gian giúp đỡ công việc gia đình, cô bé Bích Thuận đã chú tâm vào học tập.

Thông minh, chăm học, năm 17 tuổi, nữ sinh trường Đồng Khánh đã đỗ bằng Điplôm. Cuối năm 1944, từ bỏ dạy học ở trường Hoài Đức, Bích Thuận tham gia phong trào phụ nữ Mặt trận Việt Minh, được cử đi bán tín phiếu lấy tiền xây dựng quỹ cho tổ chức.

Với nhiệt huyết cách mạng và ước nguyện mãi mãi đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tháng 10/1945, bà vinh dự được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam và được tổ chức điều về phụ trách một số chị em làm công tác nuôi quân tại Ty Liêm Phóng Bắc bộ.

Tháng 11/1946, được lệnh của Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ, bà Thuận nhận nhiệm vụ mới, phụ trách công tác mật mã, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Quốc Hoàn - Ủy viên Thường vụ Xứ ủy. Ngày đó Văn phòng Xứ uỷ đóng tại một ngôi nhà gần Pháo Đài Láng - Hà Nội. Thời gian này, bà đã được vinh dự mã hóa bức điện lịch sử ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Nhớ lại kỷ niệm về một thời khó khăn nhưng rất oanh liệt của dân tộc, bà Thuận từng kể: "Tình hình đất nước những ngày đầu cách mạng ở vào thế "ngàn cân treo sợi tóc", mặc dù Chính phủ ta đã nhân nhượng nhưng thực dân Pháp đã không tôn trọng mà ngày càng lấn tới, ráo riết đánh chiếm nhiều nơi. Khả năng hòa hoãn với thực dân Pháp đã chấm dứt, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Trước tình hình cấp bách đó, đồng chí Trần Quốc Hoàn trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi mã hóa bức điện mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vào mặt trận Liên khu I cho đồng chí Lê Trung Toản, Bí thư Liên khu I.

Bức điện có đoạn: "Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu tinh thần tự tôn của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau".

Nhận được bức điện của Bác vào những ngày hết sức quyết liệt, toàn thể cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô coi đây là mệnh lệnh, lời kêu gọi kháng chiến của dân tộc, của non sông đất nước, như được tiếp thêm sức mạnh. Thay mặt cán bộ, chiến sỹ đồng chí Lê Trung Toản điện ra hứa với Bác và Trung ương: "Nguyện quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".

Ở vào thời điểm gay go nhất của cuộc chiến tranh, khi mã hóa hai bức điện lịch sử trên, tôi không cầm nổi nước mắt vì cảm động trước tình cảm của vị lãnh tụ tối cao của Đảng đối với bộ đội.

Mùa xuân năm 1947, bà Bích Thuận được tổ chức điều về công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng tại an toàn khu (ATK) Thái Nguyên. Đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng đã giới thiệu bà với đồng chí Lê Văn Lương (đồng chí Lê Văn Lương sau này là Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tổ chức Trung ương).

Về kỷ niệm này, bà như sống lại thời con gái đang tràn đầy ước mơ và hoài bão, kể lại: "Sau một thời gian tìm hiểu, tôi thấy anh Lương cao, nước da trắng trông rất thư sinh, đặc biệt anh là người sống có lý tưởng cách mạng. Nên tôi đặt niềm tin vào anh. Tình yêu trong sáng của hai người cùng chung một con đường và lý tưởng cách mạng đã đưa hai chúng tôi đến hôn nhân. Lễ cưới của hai chúng tôi được tổ chức đơn giản nhưng rất ý nghĩa. Mọi người vào rừng hái hoa tặng cô dâu và chú rể. Sau khi xây dựng gia đình, chúng tôi sống rất hạnh phúc và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong cuộc sống và công tác".

Theo chủ trương trí thức hóa công nông của Đảng, bà Thuận được cử đi học. Năm 1961, tốt nghiệp trường Đại học Y dược Hà Nội, bà được cử về Cục Cảnh vệ làm công tác kiểm nghiệm thức ăn nước uống bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Và cũng từ đây bà vinh dự trở thành người cận vệ được bảo vệ Bác Hồ.

Bà kể lại: Năm 1963, tôi được Bộ Công an cử đi học chuyên ngành của Ủy ban An ninh ở Liên Xô. Trước khi lên đường, tôi đến chào Bác. Người rất vui và dặn dò: "Cô muốn học gì thì học, đừng cho Bác ăn chuối như chú Kháng vẫn cho Bác ăn". Tôi không hiểu thế nào nên hỏi lại anh Kháng (đồng chí Hoàng Hữu Kháng là cận vệ của Bác, sau này là Cục trưởng Cục Cảnh vệ). Anh Kháng cười và kể lại: "Anh em bảo vệ lúc đầu không dám mua chuối ở ngoài, sợ không an toàn, nên cứ lấy chuối trong vườn tự tăng gia để Bác dùng. Chuối quả nhỏ, lại không biết dấm nên không ngon".

Là người được sống và làm việc gần gũi Bác Hồ, bà Bích Thuận luôn được Bác động viên, dạy bảo nhất là trong công tác. Mỗi lần Bác góp ý là một bài học để bà trưởng thành. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, bà đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bà đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Vừa tham gia hoạt động cách mạng, bà còn làm tròn trách nhiệm của phu nhân đồng chí Lê Văn Lương - vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước và là người mẹ hiền nuôi dạy con cháu trưởng thành. Về hưu nhưng bà vẫn tích cực tham gia công tác ở khu phố.

Đặc biệt, là nhân chứng lịch sử, bà đã nhiệt tình cung cấp tư liệu và tham gia góp ý vào công tác biên soạn lịch sử Văn phòng Trung ương, lịch sử phụ nữ Công an nhân dân, lịch sử Cảnh vệ Công an nhân dân.... Bà thật xứng đáng với truyền thống người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Bài viết này như một nén nhang vĩnh biệt bà, cầu mong vong linh bà ra đi được siêu sinh tịnh độ!./.