Ông Phạm Văn Sung cũng như nhiều hộ dân ở ấp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt rất bức xúc vì dòng kênh thủy lợi đi qua khu dân cư từ lâu tắc nghẽn. Nguyên nhân do một số hộ dân tự ý san lấp mặt bằng, sử dụng vào mục đích riêng. Hệ thống cống tiêu thoát nước nơi đây cũng bị lấp kín, nước ứ đọng, gây ô nhiễm nặng. Vào mùa mưa thì xảy ra ngập úng, mùa khô hạn thì đáy kênh cạn nước, gây ô nhiễm môi trường.

nguoi dan tien giang keu cuu vi dong kenh tac nghen o nhiem
Mặt kênh tồn đọng nước ao tù là mầm mống phát sinh dịch bệnh mùa khô.

“Con kênh không thông, nước ô nhiễm. Trước đây là con kênh mà sao giờ bị lấp xuống, trở thành đất làm ruộng. Mùa khô thì không có nước, mùa mưa thì ngập úng, vuông ruộng đều bị ngập hết. Tôi đề nghị móc con kênh lại, cho nước thông. Chính quyền địa phương đã hứa làm nhưng chưa thực hiện. Tôi đề nghị sớm móc lại con kênh đó”- ông Phạm Văn Sung nói.

Con kênh thủy lợi ở ấp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt được chính quyền địa phương đào từ năm 1981, dài hơn 1km, ngang trên 3 mét. Gần đây, do công tác quản lý của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, nhiều hộ dân tự ý lấp kênh, lấn chiếm lòng kênh thậm chí đấp đất ngăn dòng kênh. Trong đó, có hộ ông Nguyễn Văn A, đã san lấp dòng kênh, chiếm gần 200m2 đất để mở rộng diện tích đất ruộng lúa của gia đình.

nguoi dan tien giang keu cuu vi dong kenh tac nghen o nhiem

Một số hộ chăn nuôi còn xả nước thải từ chuồng trại xuống dòng kênh gây ô nhiễm trầm trọng. Trao đổi với phóng viên VOV, ông Võ Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây cho biết, UBND xã đã nhận đơn phản ánh của dân; đồng thời cử đoàn đến kiểm tra.

nguoi dan tien giang keu cuu vi dong kenh tac nghen o nhiem
Người dân bức xúc vì dòng kênh bị bồi lắng, nhiều hộ dân tự ý san lấp, thu hẹp mặt kênh.

Hướng giải quyết của UBND xã sẽ buộc các hộ chăn nuôi cam kết không được xả nước thải, chất thải xuống kênh; đồng thời đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí để làm hệ thống cống thoát nước. Riêng đoạn kênh bị một số hộ dân san lấp trước đây, người dân ấp Bình Tây phải đóng góp ngày công, kinh phí để khai thông.

nguoi dan tien giang keu cuu vi dong kenh tac nghen o nhiem
Nhiều khu vực kênh đã cạn nước.

“Đối với các hộ dân gây ô nhiễm, chúng tôi đã họp lại để khắc phục. Còn đặt cống thì chúng tôi ghi nhận và sẽ đề xuất huyện vì đặt cống kinh phí rất lớn, phải đào ngang lộ nhựa”- ông Võ Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây cho biết.

Điều đáng nói là khi dòng kênh thủy lợi ở ấp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt bị tắc nghẽn, gây ô nhiễm môi trường, người dân đã nhiều lần kiến nghị đến UBND huyện Gò Công Tây.Năm 2017, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, Đinh Tấn Hoàng đã ký văn bản chỉ đạo chính quyền và ngành chức năng địa phương giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được khắc phục, gây bức xúc cho người dân địa phương./.