Việc tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương… cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Đảng đã có kết quả cụ thể. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đầu, là một phần rất nhỏ trong câu chuyện chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội xung quanh vấn đề này.

nguoi dan mong dang quyet liet hon nua trong chong tham nhung

Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Không kiểm soát được kê khai tài sản thì tham nhũng tiếp tục kéo dài tràn lan

PV: Tổng kết về công tác chống tham nhũng tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực đã trở thành phong trào, thành xu thế mà không ai có thể đứng ngoài cuộc. Ông có suy nghĩ gì về đánh giá này?

Ông Vũ Mão: Đúng là gần đây Đảng ta có biểu hiện quyết liệt trong chống tham nhũng, tiêu cực. Sự quyết liệt ấy tạo niềm tin cho dân, người dân đồng tình. Chúng ta phải nhìn nhận, trước đây cũng có sự quyết liệt ở thời điểm 10 năm đầu đổi mới, từ năm 1996 trở lại, công tác chống tham nhũng có được nhắc đến nhưng không được coi trọng. Người dân rất mừng khi biểu hiện quyết liệt được thể hiện trong nhiệm kỳ 12 và nhân dân mong Đảng cần quyết liệt hơn nữa.

PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng tham nhũng như hiện nay?

Ông Vũ Mão: Chúng ta hãy nhìn xa hơn một chút. Vấn đề chống tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước đặt ra rất lâu rồi. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, vấn đề đó không nổi lên vì tập trung cho giải phóng dân tộc. Khi thống nhất đất nước, bên cạnh thành quả to lớn là độc lập dân tộc thì chúng ta có cơ sở vật chất.

Thực ra do bận ổn định xã hội, khôi phục kinh tế nên thời kỳ đó việc phân chia vật chất rất đơn giản, rồi chúng ta dễ dãi trong vấn đề quản lý tài sản của nhà nước. Từ nhận thức, quy định không rõ ràng và quản lý kém, cộng với nhóm lợi ích, sự hư hỏng của một bộ phận cán bộ tạo nên một hậu quả rất nghiêm trọng. Đấy là nguyên nhân sâu xa của tham nhũng.

Trong khi đó, pháp luật về chống tham nhũng không đầy đủ, quan điểm và nhận thức về chống tham nhũng cũng chưa đầy đủ nên không đủ sức chống tham nhũng. 20 năm trở lại đây tham nhũng tràn lan, xâm nhập, phá hoại nền tảng đạo đức mà chúng ta xây dựng bấy lâu nay.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ đảng viên mà trước hết là những người có chức quyền ở Trung ương và địa phương thiếu rèn luyện, sống thiếu lý tưởng, thực dụng, chủ nghĩa vật chất, không làm gương. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tham nhũng tràn lan chính là do xử lý vi phạm về tham nhũng không nghiêm minh.

PV: Tham nhũng được thể hiện trên tài sản. Mà một trong những biện pháp giám sát tài sản là kê khai tài sản. Theo quy định, có tới hơn 1 triệu người phải kê khai tài sản mà chỉ phát hiện được 1, 2 trường hợp kê sai, kê không trung thực. Trong khi đó, dư luận biết rõ thực tế không phải vậy?

Ông Vũ Mão: Nhìn vào trường hợp ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cũng đủ thấy, lâu nay việc kê khai tài sản rất hình thức. Ngay cán bộ cấp cao kê khai tài sản cũng không minh bạch, dư luận có thấy nhưng không ai bảo ai, không dám đấu tranh. Bây giờ số người giàu có, gửi tiền ra nước ngoài không ít, đó là hiện tượng không bình thường.

Thực ra tham nhũng cuối cùng là thể hiện trên tài sản, mà một trong những biện pháp chống tham nhũng là kiểm soát chặt kê khai tài sản. Nếu không kiểm soát được việc kê khai tài sản thì tham nhũng tiếp tục tràn lan kéo dài.

PV: Đảng chủ trương không có vùng cấm trong tham nhũng, tiêu cực và người dân kỳ vọng quyết liệt thực hiện điều này. Nhưng như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố mới chỉ dừng ở hình thức kỷ luật cảnh cáo?

Ông Vũ Mão: Thực tiễn trong xử lý vụ việc cụ thể, đâu đó vẫn có tình trạng né tránh, ngại đụng chạm đến các cán bộ cấp cao. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với một số cán bộ (chưa phải là cấp cao) khiến người dân chưa hài lòng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là xem xét về mặt Đảng, còn phải xử lý về mặt Nhà nước nữa, phải qua các cơ quan pháp luật công bằng, minh bạch, công khai nhưng không cực đoan để làm oan người ta mà cũng không bỏ sót.

Nhưng rõ ràng, Đảng phải tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, chi tiết hơn về quy định xử lý kỷ luật cán bộ.

Phải tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực

PV: Vậy theo ông, trước thực trạng tham nhũng và công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực vô cùng gian nan như thế, chúng ta phải làm gì?

Ông Vũ Mão: Toàn bộ những luật lệ của chúng ta liên quan đến tham nhũng còn thiếu sót, chưa ổn, vì vậy phải xây dựng cơ sở pháp luật vững chắc, hoàn thiện. Từ luật phòng chống tham nhũng đến các luật có liên quan như luật công chức, luật tài sản công, các bộ luật về hình sự, tố tụng hình sự… chúng ta phải xem xét hoàn thiện lại. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận công chức nhũng nhiễu, hành dân, chúng ta gọi đó là tham nhũng vặt, đưa phong bì mới giải quyết, đó là vấn đề có thật. Như vậy, những luật về công chức, quản lý công sản, luật liên quan đến những vấn đề tiếp dân, dân nguyện thì cũng phải đề cập đến trách nhiệm của công chức mà cũng là vấn đề tham nhũng.

Như ta đã nói, vấn đề kiểm kê tài sản là rất quan trọng trong chống tham nhũng nên theo tôi phải có luật về kiểm kê tài sản một cách đầy đủ nội dung kê khai, quy trình kiểm soát, xử lý vi phạm. Phải hình thành bộ luật chống tham nhũng trong đó có luật kê khai tài sản.

PV: Vấn đề kiểm soát quyền lực cần đặt ra như thế nào để phát huy dân chủ, trí tuệ, nhưng tránh được chuyên quyền, độc đoán, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Tất nhiên phải có biện pháp để kiểm soát quyền lực. Kiểm soát quyền lực, trước hết là kiểm soát quyền lực trong Đảng là giải pháp vô cùng quan trọng. Đảng lãnh đạo nên phải rất tỉnh táo, cảnh giác và phải có một cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng. Những vấn đề của Đảng trừ bí mật quốc gia còn cơ bản phải công khai minh bạch với dân.

Và những người lãnh đạo của Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Thế nên cần phải có luật về sự lãnh đạo của Đảng. Tổng Bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo chống tham nhũng cũng phải báo cáo trước Quốc hội để lấy niềm tin của nhân dân với việc chống tham nhũng.

Quốc hội có vai trò to lớn trong kiểm soát quyền lực (ta gọi là Quốc hội giám sát) nhưng công tác giám sát quyền lực yếu thì công tác kiểm soát quyền lực cũng yếu. Mà kiểm soát quyền lực, giám sát quyền lực yếu thì làm sao chống tham nhũng được? Vai trò của Chính phủ trong chống tham nhũng là vai trò quan trọng nhất, tự mình phải chống tham nhũng trong nội bộ mình.

Để chống tham nhũng, cần phải dân chủ, công khai, minh bạch, kể cả những vấn đề của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Nhiều vấn đề, trừ bí mật quốc gia, còn lại phải cho dân biết. Lâu nay vấn đề này đã có tiến bộ nhưng cần dân chủ hơn nữa, công khai hơn nữa để người dân được biết.

Một ví dụ điển hình là từ nhiều năm nay chúng ta có truyền hình và phát thanh trực tiếp các buổi chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, đó là dấu son, tạo tiếng vang về dân chủ trong dân. Nhân dân hiểu Quốc hội, hiểu Nhà nước, nhân dân giám sát và đóng góp ý kiến. Đấy mới là dân chủ, dân biết, dân kiểm tra, dân chất vấn.

Vấn đề nữa rất quan trọng là phải khai thác sức mạnh của báo chí, thông tin truyền thông, truyền thông hiện đại, mạng xã hội... Thực ra 70-80% các vụ tham nhũng được phát hiện là do báo chí. Báo chí không chỉ thông tin chính sách chế độ cho nhân dân biết mà còn phản ánh nguyện vọng của dân, những góp ý của nhân dân đối với nhà nước. Bên cạnh đó cần phát huy hiệu quả của một lực lượng to lớn là mặt trận, các đoàn thể để đấu tranh chống tham nhũng.

Thêm một giải pháp nữa cũng không kém phần quan trọng là phải kiên quyết đấu tranh nội bộ bởi tính tự giác của con người hiện còn yếu. Có hiện tượng phổ biến là thủ trưởng xoa dịu, lấy lòng cấp dưới, đó là lý do phải đẩy mạnh đấu tranh phê bình ngay trong nội bộ.

PV: Xin cảm ơn ông./.