Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La có công văn chỉ đạo về việc chưa xem xét đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử, khen thưởng, bổ sung quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đối với các cán bộ có liên quan đến gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở Sơn La đã bày tỏ sự hoan nghênh và cho rằng các cấp, các ngành, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc yêu cầu này của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

nguoi dan hoan nghenh viec chua bo nhiem can bo lien quan gian lan thi o son la
16 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin thí sinh nhưng mục đích chỉ “ nhờ xem điểm trước” (ảnh minh họa)

Ông Sòi Bá Nhện, 74 tuổi, thường trú ở bản Bó Hốc, xã Quang Huy, huyện Phù Yên (Sơn La), nguyên là Chủ tịch UBND xã cho biết, vụ việc gian lận thi cử trong kỳ thi năm 2018 ở Sơn La là một điều rất đáng buồn. Buồn là bởi thông qua vụ việc cho thấy, vẫn có không ít cán bộ, đảng viên đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích tập thể; vì lợi ích cá nhân mà dùng tiền để “chạy điểm”, “mua điểm” cho con em mình, được vào học trong các trường danh tiếng, như công an, quân đội... Việc làm này có ảnh hưởng trực tiếp đến các thí sinh là con em thuộc diện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

“Việc này dân rất ủng hộ. Mọi người đều nói nếu cứ mua điểm thế này thì con người nghèo không bao giờ được ngồi ghế trường Đại học cả. Người có chức có quyền, con của họ không được vào trường Đại học, họ đã như thế rồi; bây giờ họ lên chức lên quyền nữa, có quyền hành trong tay chắc chắn họ sẽ lộng hành hơn”- Ông Sòi Bá Nhện nói.

Chị Nguyễn Thị Hồng Phương, một người dân sống ở TP Sơn La cũng bày tỏ, không chỉ riêng chị mà nhiều người dân rất hoan nghênh việc dừng lại, chưa xem xét bổ nhiệm các cán bộ lãnh đạo liên quan đến gian lận thi cử trong năm 2018 vừa qua, vì việc làm đó không chỉ ảnh hưởng đến các thí sinh ở vùng sâu vùng xa, con em dân tộc, hộ nghèo; mà còn ảnh hưởng đến tâm lý chung của xã hội về chất lượng của giáo dục, qua đó chọn ra những người tài phục vụ đất nước.

Trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La năm 2018, theo thống kê, có tới 21 trong tổng số 44 thí sinh được nâng điểm là con của cán bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương ở tỉnh Sơn La. Trong đó, trường hợp thí sinh số báo danh 14000430 có bố là cán bộ công an tỉnh Sơn La, mẹ là cán bộ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quyết Tâm, TP Sơn La được nâng tới 25 điểm; thí sinh số báo danh 14000764 có bố là Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Sơn La được nâng tổng cộng 23,35 điểm; thí sinh số báo danh 14001279 có bố là Cục trưởng Cục thuế tỉnh Sơn La, mẹ là Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy được nâng 12 điểm. Nhiều thí sinh khác có bố là Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo; Phó Chủ tịch huyện, Thành phố; cán bộ Bệnh viện đa khoa huyện; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hạt kiểm lâm huyện; Công an huyện, công an tỉnh…cũng được nâng từ 3 đến 16,25 điểm.

Kết thúc điều tra giai đoạn I, đã có hàng chục thí sinh 'gian lận' thi ở Sơn La bị các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thương Mại, các trường thuộc khối Quân đội... xóa tên trả về địa phương. Trong đó, riêng các trường Công an có tới 25 thí sinh bị trả về./.