nguoi dan bi nhoi nhet het gia ve va khong gian cach ghe ngoi

Người dân đi xe khách bị nhồi nhét và hét giá vé cũng như không đảm bảo giãn cách ghế ngồi. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người dân bắt đầu đổ xô trở về Thủ đô vào chiều ngày hôm nay (3/5) để chuẩn bị cho tuần làm việc mới.

Tuy nhiên, theo phản ánh, hành khách trên xe bị nhồi nhét, hét giá vé và không được ngồi giãn cách ghế theo đúng quy định hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.

Nhồi nhét, “hét” giá vé gần gấp đôi

Ăn vội bữa cơm trưa ở quê, lo sợ khung cảnh tắc đường như mọi năm anh Nguyễn Trung Trực, nhân viên ngân hàng Vietcombank vội vã thu xếp quần áo và chiếc balo để từ Ninh Bình lên Hà Nội.

Sau 15 phút đứng dọc đường bắt xe biển kiểm soát 35B 011.17, anh cũng leo chân lên được và kiếm một chỗ ngồi gần cửa khá thoáng. Lúc xuất bến, trên xe chỉ vỏn vẹn có 9 khách.

Lúc này, trong đầu anh nghĩ rằng sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, người dân sẽ ít đi phương tiện giao thông và nhà xe cũng chú ý đến việc ngồi giãn cách ghế ngồi nên họ sắp xếp như thế này rất khoa học và sẽ đảm bảo sức khỏe cho hành khách.

Thế nhưng, cứ đi được một đoạn, phụ xe mở cửa và đón khách đứng dọc đường lên xe. Khi xe đến Đồng Văn (Hà Nam) đã ken cứng ghế ngồi. Thậm chí, nhà xe còn để thêm ghế dọc lối đi để “lèn” thêm khách.

“Xe chỉ có 29 chỗ ngồi nhưng nhà xe nhồi tới gần 40 người nên có bật điều hòa nhưng không khí bên trong rất ngột ngạt. Hành khách ngồi san sát nhau. Có người còn thốt lên rằng “xếp chỗ ngồi này chỉ để được một chân’ trên xe,” anh Trực nói.

Theo anh Trực, giá vé xe khách trong dịp nghỉ lễ này cũng được nhà xe hét lên gần gấp đôi. Hành khách ai cũng than vãn “sao đắt thế” thì được phụ xe buông hẳng câu: “không đi thì mời xuống, bắt xe sau” và rồi ai cũng tặc lưỡi trả tiền.

“Giá vé tuyến Ninh Bình-Hà Nội thường ngày chỉ 70.000 đồng nhưng hôm nay nhà xe đưa ra mức giá 100.000 đồng. Đáng chú ý, những hành khách từ Hà Nam đi lên cũng bị thu đồng giá,” anh Trực than thở.

Quệt giọt mồ hôi lăn trên trán, trong chiếc khẩu trang kín mít, chị Phạm Quỳnh Phương (Nam Trực, Nam Định) tỏ vẻ mệt mỏi sau hành trình gần 3 giờ 30 phút mới tới được bến xe Giáp Bát.

Lường trước được đông người đi do tuyến xe khách ở huyện có số lượng ít ỏi so với thành phố, chị Phương đã gọi điện đặt chỗ từ ngày 1/5 và ngày hôm qua vẫn không quên gọi lại để dặn dành chỗ ngồi cho mình. Thế nhưng, lúc đặt chân lên xe đi qua nhà, chị giật mình bởi chỉ còn chỗ ngồi ghế nhựa giữa lối đi.

“Vào ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhà xe mặc sức ‘nhét’ khách và làm giá vé cao hơn với khách đi đường bởi nhu cầu đi lại tăng cao. Giá vé chuyến này lên tới 150.000 đồng, cao gấp đôi so với thường ngày mà vẫn không có chỗ chở hết người đi lên Thủ đô,” chị Phương chia sẻ.

Hai hành khách này cũng bày tỏ sự bức xúc bởi trong khi cơ quan chức năng đưa ra quy định và hướng dẫn các đơn vị hoạt động lĩnh vực vận tải của ngành phải sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên phương tiện cách nhau một ghế hoặc đảm bảo cách nhau 1m. Tuy nhiên, đại đa số các xe khách đều không tuân thủ quy định.

Càng về cuối giờ chiều, lượng xe khách nối đuôi vào bến mỗi lúc một đông.

Hàng không làm phòng dịch qua loa

Là hành khách bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội vào chiều nay, chị N.T tỏ ra bức xúc trước việc sắp xếp ghế ngồi chưa được giãn cách trên tàu bay và phía sân bay Đà Nẵng còn đôi chút lơ là phòng chống dịch.

Theo chị T, khi làm thủ tục chuyến bay, sân bay Đà Nẵng có đo nhiệt độ cho hành khách nhưng lại không có nước sát khuẩn tay, trong khi tờ khai y tế nhiều người loay hoay cả tiếng, xong lại báo lỗi vì quá nhiều thủ tục.

“Khi máy bay hạ cánh tại Nội Bài, không đơn vị chức năng nào hỏi hay chú ý tới tờ khai y tế. Nhiều hành khách cảm giác sân bay làm rất qua loa cho đầy đủ thủ tục. Trong khi đó, dù dịch COVID-19 đã được kiềm chế nhưng nguy cơ vẫn hiện hữu, khách đi trên phương tiện giao thông số lượng lớn nên chỉ cần sơ sẩy là lây lan và khó kiểm soát. Đã chấp nhận sống chung với dịch thì cần nhất là ý thức,” chị N.T chia sẻ.

Trước đó, sau khi lên chuyến bay VN176 của Vietnam Airlines chặng bay Đà Nẵng-Hà Nội lúc 15 giờ, chị N.T lại được xếp ghế ngồi 16C, cùng hàng ghế với 3 người cạnh nhau dù quy định là phải giãn cách ghế ngồi và cách 1m. Trong khi ghế phía trước được hãng sắp xếp đúng quy định.

“Nếu là thành viên trong cùng một gia đình, những người cùng nhóm bạn bè, đồng nghiệp, cùng cơ quan, doanh nghiệp, cùng nhóm du lịch hoặc cùng mã đặt chỗ trên chuyến bay sẽ không áp dụng ngồi giãn cách. Tuy nhiên, hai khách ngồi cạnh tôi không quen biết. Như vậy, hãng sắp xếp chưa thật sự khoa học,” chị N.T than thở.

nguoi dan bi nhoi nhet het gia ve va khong gian cach ghe ngoi

Hành khách đang vào chỗ ngồi trên một chuyến bay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Về vấn đề này, đại diện Vietnam Airlines cho biết, tổng số chỗ được xếp khách khi áp dụng nguyên tắc không quá 80% cấu hình máy bay là 143 chỗ (hệ số sử dụng ghế là 178 chỗ ngồi), tổng số khách trên chuyến bay là 134 người. Như vậy, chuyến bay “cõng” ít hơn số khách được xếp theo quy định.

“Số lượng khách gia đình, cùng cơ quan, doanh nghiệp, cùng nhóm bạn bè, nhóm du lịch không xếp giãn cách là 80 vé. Hãng sẽ có biện pháp điều chỉnh theo đúng quy định hiện hành nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch tốt nhất,” đại diện Vietnam Airlines khẳng định.

Đại diện các hãng hàng không Vietjet, Bamboo Airways hay Jetstar Pacific cho rằng, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không dịp nghỉ lễ tăng cao. Tuy nhiên, các hãng bay đều nghiêm chỉnh chấp hành theo đúng quy định của Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu trong mọi trường hợp hãng bay không được vận chuyển số khách vượt quá 80% cấu hình tàu bay nhằm phòng chống dịch COVID-19.

Với đường sắt, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, lượng hành khách đi tàu tăng đôi chút so với ngày thường, đặc biệt tập trung ở các tuyến ngắn. Trên mỗi toa tàu đều được bố trí ngồi giãn cách để phòng chống dịch./.