nguoi dam me voi nghe che giong
Ông Phạm Văn Dung bên vườn chè tím 2 năm tuổi của gia đình

Đến với gia đình nhà ông Dung, điều mà mọi người thấy được đó là cả một đồi chè trung du, vườn chè cành rộng xanh mướt một màu. Ở đó có căn nhà cấp 4 đã được xây dựng lâu nhưng cơ ngơi khu vực chế biến và các máy móc thiết bị thì vào loại bậc nhất của xã Tức Tranh và huyện Phú Lương. Khu vực chế biến gồm có: 3 tôn quay, 2 máy vò chè bằng inox, hệ thống quạt hút khói bụi tại khu chế biến; hệ thống tủ sấy hương, máy hút chân không, máy gắn mép, máy dập chữ số và hạn sử dụng. Ngoài ra, ông Dung còn đầu tư xây 1 ao với diện tích khoảng 300m2, có nguồn nước mạch sạch liên tục và hệ thống 4 máy bơm nước để tưới nước cho chè. Câu chuyện về nghề sản xuất và chế biến chè của gia đình ông cứ như mạch hồi tưởng lại không thể dứt ra được. Nhưng việc mới nhất và lại là một niềm đam mê nữa mà ông say sưa nghiên cứu đó là làm thế nào để cây chè tím phát triển, có sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Theo nhiều tài liệu y học cổ truyền, chè tím là loại chè đặc sản, quý hiếm, có khả năng chữa bệnh rất cao, đặc biệt giúp ngăn ngừa phóng xạ, chống ung thư, chống lão hóa. Trong chè búp tím rất giàu chất antoxian có tác dụng chống ôxy hóa, thường dùng trong các loại thuốc chữa bệnh, phòng chống ung thư. Mặt khác, chè tím còn có tác dụng trong y học phòng, chữa một số bệnh như: đường ruột, béo phì, sâu răng, hôi miệng, phòng chống huyết áp cao, giảm lượng đường trong máu, giảm cholesterol, diệt khuẩn, diệt virus cúm; chống buồn ngủ, giảm mệt mỏi và lợi tiểu; giúp tăng sức đề kháng....

Nhận thấy lợi ích từ sản phẩm chè tím mang lại nhiều người đã tìm đến ông để xin cây hoặc mua giống chè về trồng. Người là láng giềng, hàng xóm, người là cán bộ đến thăm quan, trong đó, có cả giảng viên trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Anh Nguyễn Văn Tuấn, người cùng xóm Minh Hợp - được đánh giá là một trong những hộ có sản phẩm chè sạch, an toàn được nhiều người ưa chuộng cũng đã lấy hơn 300 hom giống chè tím của ông Dung về trồng, trước mắt là để sử dụng cho gia đình. Giữa những hàng chè trung du xanh tốt, những cây chè tím trồng xen được gần 2 năm tuổi khoẻ mạnh đã cho những lứa búp đầu tiên. Anh Tuấn cho biết: “Khi chè tím được thu hoạch đại trà, anh sẽ phá bỏ giống chè trung du này. Trước mắt, trồng để lấy chè cho gia đình uống, khi sản phẩm nhiều tôi mới bán ra thị trường”.

Từ khi bắt tay vào việc sản xuất giống chè tím đến nay đã được 3 năm, bình quân mỗi năm cho ra vườn từ 3 - 4 vạn hom chè. Ông Dung cũng đã trồng được 3 sào chè tím mỗi lứa thu hoạch khoảng 5 - 6kg chè búp khô với giá bán từ 450.000 – 500.000 đồng/kg. Năm 2016, với 3 vườn ươm ông dự kiến sẽ sản xuất ra gấp gần chục lần các năm trước đó để gia đình trồng. Ngoài ra, cung cấp cho nhu cầu ở trong và ngoài xã Tức Tranh.

Khi nói về mô hình và cách làm của gia đình ông Phạm Văn Dung, ông Phan Văn Tường, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phú Lương chia sẻ và đánh giá cao: “Trên địa bàn huyện, hiện có nhiều mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII xác định cây chè là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện, do vậy Ngành Nông nghiệp đã quan tâm động viên khuyến khích nhân dân tham gia sản xuất, tạo ra sản phẩm, thương hiệu tốt. Qua tham gia mô hình chè VietGap, nhiều hộ sản xuất đã khẳng định được chất lượng và uy tín, trong đó có gia đình ông Phạm Văn Dung”.

Đến nay, với 5.500 m2 diện tích đất trồng chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap của gia đình ông Dung thu hoạch đạt 150kg chè búp khô/lứa; bình quân một năm thu từ 5 - 6 lứa chính với tổng khối lượng là 1 tấn chè búp khô. Sản phẩm chè của gia đình ông Dung đã đáp ứng quy định của Trung ương, của tỉnh và được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp Thái Nguyên chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap 2 năm 2015 – 2017. Sản phẩm cũng đã được khách hàng ở các tỉnh trong miền Nam, ở Nam Định, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh... tin dùng./.