Một cựu chiến binh- Thượng tá Trần Ngọc dù chưa một lần được gặp Bác Hồ, nhưng với tất cả sự kính trọng đối với Bác, ông đã dành hơn nửa đời mình để vẽ chân dung, viết nhạc và làm thơ về Người.

nguoi cuu chien binh say me ve chan dung bac ho
Chỉ trong 5 - 10 phút Cựu chiến binh Trần Ngọc có thể ky họa ra chân dung Bác Hồ.

Trong căn nhà riêng của Thượng tá Trần Ngọc ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng treo rất nhiều tranh về Bác Hồ. Ông say sưa kể về hoàn cảnh ra đời của những bức tranh vẽ về Bác.

Tháng 10/1966, chàng trai trẻ người Thanh Hóa lên đường nhập ngũ. Mọi khó khăn gian khổ và ác liệt trên tuyến đường Trường Sơn cũng như chiến trường B1 Quân khu 5 và miền Nam nói chung, cựu chiến binh Trần Ngọc đều trải qua.

Năm 1969, khi đang trên đường hành quân từ tỉnh Nam Định vào Quảng Bình, tham gia mở đường 20 Quyết Thắng thì ông Ngọc và đồng đội nghe tin Bác Hồ mất. Trước nỗi mất mát to lớn này, ông Ngọc cầm bút, ký họa chân dung Bác Hồ.

nguoi cuu chien binh say me ve chan dung bac ho
Dù chưa một lần gặp mặt Bác nhưng bức vẽ Bác của Thượng tá Trần Ngọc rất giống, chân thực.

Cựu chiến binh Trần Ngọc tâm sự: "Nghe tin Bác Hồ qua đời và xúc động nhất khi nghe đồng chí Lê Duẩn là Tổng Bí thư lúc đó đọc bản Di chúc và lời điếu văn thì tất cả cán bộ chiến sỹ chúng tôi đều khóc.

Dấu ấn nhất là tôi vẽ Bác Hồ vào năm 1970 ở chiến trường miền Nam, rất gian khổ. Tôi vẽ hình ảnh Bác Hồ lúc đó to nhất ở cứ Nước Oa, để đại hội Đảng và đại hội thi đua của Cục hậu cần sốc lại lực lượng và quyết tâm xây dựng hậu cứ thật vững chắc để tiến tới giải phóng hoàn toàn."

Kể từ đó, ông Ngọc mang theo những bức vẽ về Bác đi khắp các chiến trường. Cựu chiến binh Trần Ngọc nói rằng: những năm 1969 đến năm 1972, sống trong rừng vào mùa mưa, nhiều tháng trời phải ăn cháo sắn, cháo ngô, rau rừng, thiếu thốn đủ thứ. Những lúc khó khăn, gian khổ như vậy ông càng nghĩ nhiều đến Bác.

Năm 1975, ta mở chiến dịch giải phóng miền Nam. Khi đoàn quân của ông vào giải phóng huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, ông tranh thủ vẽ tranh Bác Hồ trên tấm ván ép, người dân tới xem rất đông. Sau ngày thống nhất đất nước, ông Trần Ngọc được Bộ Tư lệnh, Cục Chính trị và Phòng Tuyên huấn Quân Khu 5 giao nhiệm vụ vẽ chân dung Bác Hồ để trang trí, tuyên truyền.

nguoi cuu chien binh say me ve chan dung bac ho
Bác là nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác, viết nhạc của Thượng tá Trần Ngọc.

Đến nay, Thượng tá Trần Ngọc đã vẽ hàng trăm bức chân dung Bác Hồ và nhiều bức tranh cổ động, tuyên truyền trong các kỳ đại hội. Ông Ngọc thường khoe, hình ảnh Bác Hồ trong tranh vẽ của ông luôn gần gũi, giản dị và cao quý: "Tôi luôn đau đáu trong tim là mình sẽ viết và vẽ về Bác để cổ vũ một phần là bản thân mình, một phần là muốn góp phần cổ vũ đồng chí, đồng đội thân yêu của mình cùng đồng bào, đồng chí tin yêu Bác, làm theo lời Bác."

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam rất yêu quý cựu chiến binh Trần Ngọc.

Ông Tuấn đánh giá ông Trần Ngọc là con người của công việc, với những đam mê cháy bỏng: "Trước hết, tôi rất quý trọng anh Trần Ngọc, một con người có thể nói phấn đấu không mệt mỏi. Ai mà nhìn bức tranh của Bác Hồ trong thời chiến cũng như đến sau này, suốt bao nhiêu năm bác Ngọc phục vụ ở Quân khu 5 thì đó là những bức tranh thật nhất, giống nhất và có thể nói là sống động nhất."

Đã hơn 70 tuổi với hơn 50 năm say mê vẽ chân dung Bác Hồ, cựu chiến binh Trần Ngọc luôn tỏ lòng kính trọng Bác Hồ. Tình cảm của ông được gửi gắm qua từng nét bút, con chữ và nốt nhạc ngợi ca chủ tịch Hồ Chí Minh./.