Dịp đến công tác tại đảo Sơn Ca, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về những việc làm của cán bộ, chỉ huy đối với chiến sĩ trẻ. Những việc làm ấy vừa gần gũi, chân tình nhưng cũng đầy trách nhiệm của những người lính biển giữa mênh mông trùng khơi. Trung tá Phạm Hữu Mai, Chính trị viên Cụm chiến đấu 2 chia sẻ với chúng tôi rất nhiều trường hợp đã vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực phấn đấu để khẳng định mình. Chuyện về chiến sĩ Nguyễn Hoài Sơn (quê ở TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Khi mới ra đảo nhận nhiệm vụ, đồng đội thấy Sơn là người sống khép kín, khó gần. Qua trò chuyện, mọi người mới biết Sơn có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bố mất sớm, mẹ đi làm ăn xa, anh em Sơn sớm tự lập từ nhỏ. Vì vậy, khi có lệnh nhập ngũ, điều Sơn băn khoăn nhất chính là em gái ở nhà một mình không ai chăm sóc, tiếp đó là nỗi lo lấy đâu ra tiền để trang trải cho cuộc sống, cho việc học của em gái… Trăn trở và suy nghĩ khiến Sơn không tập trung trong thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. Hiểu hoàn cảnh của Sơn, Trung tá Phạm Hữu Mai và đồng đội vừa gần gũi, động viên, chia sẻ, vừa tận tình hướng dẫn, chỉ bảo Sơn từ những công việc nhỏ nhất trong cuộc sống như sắp xếp nội vụ đến cách ăn nói, đi lại, học tập, rèn luyện; tạo điều kiện để Sơn thường xuyên gọi điện thoại về động viên em cố gắng học hành. Cùng với đó, hằng tháng, Trung tá Phạm Hữu Mai còn trích một phần tiền lương chuyển về hỗ trợ em gái Sơn để em có điều kiện trang trải việc học tập.

Trung tá Phạm Hữu Mai (bên phải) trao đổi cùng đồng đội các biện pháp nắm và quản lý
tư tưởng bộ đội.

Hạ sĩ Trịnh Xuân Dương, quê Thái Bình cũng là một chiến sĩ được anh em trong đơn vị thường xuyên gần gũi, động viên, giúp đỡ. Qua những lần trò chuyện thân tình, đồng đội mới hiểu hết hoàn cảnh của Dương. 3 tháng tuổi, bố mẹ chia tay nhau và gần 3 năm sau mẹ Dương đi bước nữa. Từ đó, Dương về ở với bà ngoại. Mặc dù hình ảnh bố rất mờ nhạt trong suy nghĩ và cuộc sống hằng ngày, thế nhưng khi biết người cha sinh ra mình nghiện ma túy, Dương rất mặc cảm về hoàn cảnh xuất thân. Ở đơn vị, Dương giấu đồng đội, tâm trạng lúc nào cũng bi quan, chán nản. Sau khi hiểu rõ mọi chuyện, Trung tá Nguyễn Hữu Mai báo cáo chỉ huy đảo tìm biện pháp chia sẻ, động viên, giúp đỡ Trịnh Xuân Dương ổn định tư tưởng, yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Trên đảo Sơn Ca, cho dù mỗi cán bộ, chiến sĩ một hoàn cảnh, môi trường sống, cá tính khác nhau, nhưng họ cùng chung mục tiêu: Nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Phạm Hữu Mai khẳng định: "Với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, tình cảm gia đình, hậu phương nơi quê nhà luôn là động lực tinh thần to lớn giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống, thêm vững tin thực hiện nhiệm vụ". Bởi vậy, là người chỉ huy đơn vị, Trung tá Phạm Hữu Mai cũng như những cán bộ khác đều là người bạn, người anh của chiến sĩ trên đảo. Giờ nghỉ, ngày nghỉ, các anh luôn chủ động gần gũi, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ nhằm tháo gỡ khó khăn trong công việc hằng ngày cũng như trong cuộc sống gia đình. Việc gần gũi, kịp thời lắng nghe và sẻ chia tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã giúp cho cấp ủy, chỉ huy trên đảo luôn làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao chất lượng rèn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ.

Trao đổi về việc nắm, giải quyết công tác tư tưởng cho bộ đội, Thượng tá Vũ Duy Khánh, Chính trị viên đảo Sơn Ca nhấn mạnh: "Việc nắm, quản lý và giải quyết tư tưởng cho bộ đội phải bằng rất nhiều biện pháp, cùng sự tham gia tích cực, tự giác của cán bộ, chiến sĩ. Làm tốt công tác giáo dục giúp chiến sĩ có suy nghĩ đúng, hành động đúng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Bằng tình cảm, trách nhiệm, cộng với những phương pháp phù hợp, cách làm thiết thực, hiệu quả của lãnh đạo, chỉ huy đã giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn có tinh thần đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau như người thân trong gia đình. Trong suy nghĩ của mỗi cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác trên đảo, Sơn Ca giống như ngôi nhà lớn chan chứa tình người, tình đời giữa biển khơi.

Theo QĐND