Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt hôm qua (14/8) bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Phần Lan, Latvia, Đan Mạch và Hà Lan để thảo luận về quan hệ của Vương quốc Anh với các đối tác châu Âu sau khi nước này rút khỏi Liên minh châu Âu (EU). Chuyến thăm diễn ra khi các quan chức Anh đều kêu gọi người dân chuẩn bị cho viễn cảnh nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu mà không đạt được thỏa thuận chính thức với EU.

ngoai truong anh tham 4 nuoc chau au go be tac dam phan brexit
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt. Ảnh: Sputnik.

Thông báo của chính phủ Anh cho biết, Ngoại trưởng Anh sẽ có cuộc gặp ngoại trưởng của tất cả 4 nước và thể hiện sự quyết tâm của Anh nhằm xây dựng một quan hệ mới với châu Âu hậu Brexit, vốn sẽ tạo ra một tương lai tốt đẹp, đem lại lợi ích cho tất cả các bên trên lục địa...

Theo Ngoại trưởng Jeremy Hunt, Anh và các nước này có cùng lịch sử và những giá trị với các đối tác tại châu Âu. Chuyến thăm nhằm tái khẳng định mối quan hệ vững mạnh sẽ không thu hẹp khi Anh rời khỏi EU, thậm chí khi không đạt được thỏa thuận với khối.

Phát biểu khi đang ở thăm Helsinki, Phần Lan, Ngoại trưởng Anh cho biết, nguy cơ Brexit không thỏa thuận đang gia tăng, mọi người cần phải chuẩn bị cho viễn cảnh bất ổn khi Anh ra khỏi Liên minh châu Âu mà không kèm thỏa thuận. Ông cũng cho biết, Anh đang nỗ lực để tránh viễn cảnh này đồng thời kêu gọi EU cần phải có cách tiếp cận mới. Tuy nhiên trong một tuyên bố thể hiện lập trường khá cứng rắn trước Anh, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, không ai muốn Anh ra khỏi EU mà không có thỏa thuận, nhưng Anh cũng cần phải có sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán:

“Anh sẽ ra khỏi Liên minh châu Âu vào tháng 3/2019 và chúng ta còn nhiều việc phải làm cho đến thời điểm đó. Hi vọng chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận hợp lí được cả hai bên chấp nhận. Nếu Anh muốn nhận được lợi ích từ EU trong tương lai, nước này cần phải cam kết chấp nhận các qui tắc của EU, khi đó chúng tôi có thể đưa ra những đảm bảo an ninh hợp pháp”.

Chỉ còn chưa đầy 8 tháng nữa là Anh ra khỏi EU, chính phủ nước này vẫn chưa nhất trí được một thỏa thuận với EU và đang thúc đẩy kế hoạch theo hướng rời khối mà không có bất cứ thỏa thuận chính thức nào. Cả Anh và EU đều muốn có một thỏa thuận vào ngày 18/10/2018. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng đây là một mục tiêu khó thực hiện được.

Nhà đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đã bác bỏ một số điểm chính trong đề xuất thương mại mới của Thủ tướng Anh Theresa May vào tháng 7/2018. Các cuộc đàm phán về Brexit dự kiến sẽ nối lại tại Brussels (Bỉ) vào ngày mai (16/8). Quan chức hai bên sẽ nỗ lực đưa ra các bước tiến về vấn đề biên giới Ireland và thảo luận mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU.

Hiện các chuyên gia kinh tế đều cảnh báo, nếu không đạt được các thỏa thuận khi Anh rời khỏi khối sẽ gây tổn hại lớn đến nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này khi EU là thị trường lớn nhất của Anh. Nhiều người dân Anh cho biết họ cần có tiếng nói trong việc quyết định tương lai của đất nước.

Theo kết quả thăm dò công bố mới nhất, một nửa số người Anh được hỏi ý kiến cho rằng, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận về việc Anh rời Liên minh châu Âu, nên tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân để đưa ra quyết định cuối cùng. Theo đó, 40% số người tham gia cuộc thăm dò ủng hộ Anh tiếp tục ở lại EU, 27% ủng hộ Brexit không có thỏa thuận, trong khi chỉ 11% ủng hộ Brexit theo kế hoạch của Thủ tướng Theresa May./.