Giám thị gọi tên thí sinh vào phòng thi chuẩn bị thủ tục thi.
(Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)


Nguy cơ trên ngày càng thể hiện rõ, đặc biệt đối với nhiều trường đại học ngoài công lập và một số trường công lập, khi các trường đang hạ thấp dần tiêu chuẩn xét tuyển, thậm chí xét học bạ để “cầu” sao cho đủ chỉ tiêu theo kế hoạch đào tạo. Với các trường cao đẳng, chuyên nghiệp thì việc tuyển đủ chỉ tiêu càng khó khăn gấp bội.

Từ thực trạng trên cho chúng ta thấy, công tác tuyển sinh đầu vào đang được thực hiện một cách ồ ạt, dàn trải,…. Bởi việc đỗ đại học là quá dễ dàng đối với đa số các thí sinh. Nếu so với số liệu thống kê đầu ra của Viện Khoa học Lao động và Xã hội vừa công bố thời gian gần đây, thì trong hơn 400.000 cử nhân tốt nghiệp ra trường mỗi năm, có tới hơn 170.000 người không có việc làm, con số này rất đáng để chúng ta suy nghĩ.

Do không tìm được việc làm, nhiều cử nhân chấp nhận làm công nhân phổ thông, với trình độ thấp hơn rất nhiều so với trình độ họ được đào tạo bài bản. Nhiều sinh viên ra trường khi đi tuyển dụng không dám xuất trình bằng đại học (thậm chí cao hơn), mà “cực chẳng đã”, họ phải dùng bằng tốt nghiệp phổ thông cho dễ xin việc, dù biết trước như vậy mức lương sẽ khá thấp.

Điều bất hợp lí trên diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm vẫn đang trên đà gia tăng. Và những bất cập trong tuyển sinh, xét tuyển đào tạo năm nay, thì cảnh “thừa thầy thiếu thợ” sẽ còn tiếp diễn chưa thể có hồi kết. Nó như một tất yếu theo quy luật nguyên nhân – hệ quả!

Trong khi đó, theo Bản tin thị trường lao động công bố thời gian gần đây cho thấy, có tới 80% số học sinh trường nghề ra trường có việc làm. Đặc biệt qua khảo sát một số trường nghề ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh Phú Thọ, học sinh trường nghề chưa tốt nghiệp đã có doanh nghiệp đặt hàng, hợp tác từ trước để xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp, học xong học sinh được tuyển dụng vào làm việc ngay.

Từ thực trạng trên thiết nghĩ, thay vì đua nhau vào đại học bằng mọi giá như hiện nay, các học sinh phổ thông có thể cân nhắc chuyển sang học nghề phù hợp với năng lực để có việc làm. Nhưng để làm được điều đó, cần có những bước đi định hướng đột phá từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT, đó là cần sự thay đổi, đổi mới kế hoạch đào tạo; tính toán kỹ lưỡng hơn nhu cầu thị trường lao động, để hạn chế tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng nghề nghiệp, hoặc không thể kiếm được việc.

Đồng thời, việc đào tạo (nhất là khâu tuyển đầu vào) làm sao phải phù hợp với quy mô, số lượng từng ngành nghề và cơ cấu thị trường lao động cần. Ví dụ, thị trường cần lao động kỹ thuật, thì tập trung đào tạo lao động kỹ thuật, chứ không thể tập trung đào tạo các ngành thiên về lý thuyết, kinh tế…

Đào tạo cũng phải phù hợp với đặc thù cơ cấu từng vùng, miền. Vì rất có thể sinh viên thất nghiệp ở vùng đồng bằng, nhưng lại rất thiếu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; tương tự ngành nghề này thừa, nhưng ngành nghề khác lại thiếu. Do vậy, việc kế hoạch hóa công tác đào tạo trình độ đại học và học nghề, cũng như đổi mới chương trình học để phù hợp với nhu cầu thị trường đang là vấn đề đặt ra cần được cơ quan quản lí nhà nước, đặc biệt là ngành đào tạo lắng nghe, quan tâm bởi qua đó phản ánh được hiệu quả của công tác đào tạo.

Chúng ta vẫn nói công tác giáo dục đào tạo phải nắm bắt tín hiệu thị trường lao động, nhưng thực tế từ công tác tuyển sinh, xét tuyển năm nay, việc này chưa được triển khai quyết liệt, khi tự bản thân nó đang bộc lộ nhiều nghịch lý. Do đó, rất cần có khảo sát định kỳ nhu cầu doanh nghiệp, để từ đó có kế hoạch đào tạo, đồng thời có chính sách điều tiết phù hợp, tránh lãnh phí trong công tác đào tạo nói chung./.

Theo Báo điện tử ĐCSVN