"Khoảng lặng" của tăng trưởng

Phát biểu trước Quốc hội sáng nay (25/5), đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nhấn mạnh đến "khoảng lặng" của nền kinh tế trong năm 2017.

nghi truong nong voi tranh luan ve chat luong tang truong kinh te
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Ảnh: Quochoi.vn)

Ông Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, kinh tế đã có sự phát triển ngoạn mục năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, nếu khai thác dầu thô năm 2017 không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.

Theo Báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô, năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016.

"Theo tính toán, một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4-6,6% (thay vì 6,81%), Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu", ông Hàm phân tích.

Ngoài ra, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, với nền kinh tế đang khát khao vươn lên như Việt Nam, việc quy mô GDP 2017 đạt hơn 5 triệu tỷ đồng là còn khiêm tốn, không đạt như kỳ vọng đề ra từ cách đây 2 năm. Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm, nhưng nhân tố tạo bứt phá không được duy trì bền vững nên dự báo quý sau sẽ giảm dần.

Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng tỷ lệ gia công, lắp ráp trong ngành chế biến, chế tạo rất lớn. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế đang chịu sự chi phối của doanh nghiệp FDI; Samsung và Formosa góp hơn 40% tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo; doanh nghiệp FDI chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu, 66% nhập khẩu, ông Hàm cho hay.

Ông Hàm cũng chỉ ra "điểm nghẽn" trong khó khăn ngành chế biến, chế tạo. Lĩnh vực này tăng nghĩa là Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, song nghịch lý là gia công lắp ráp không mang lại nhiều giá trị gia tăng.

Không phải tăng trưởng chủ yếu dựa vào dầu thô

Tranh luận lại ý kiến của ông Hoàng Quang Hàm về tăng trưởng dựa vào khai khoáng dầu thô, đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) cho rằng quan điểm này không thỏa đáng.

nghi truong nong voi tranh luan ve chat luong tang truong kinh te
Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu (Ảnh: Quochoi.vn)

Ông Chiểu dẫn Báo cáo 198 của Chính phủ cho biết, năm 2016, Việt Nam khai thác 15,2 triệu tấn dầu thô. Năm 2017, kế hoạch khai thác là 13,28 triệu tấn và thực hiện là 13,557 triệu tấn, chỉ tăng so với kế hoạch khoảng 200.000 tấn, còn hụt so với năm 2016 trên 1,643 triệu tấn. 1 triệu tấn dầu thô đóng góp khoảng 0,25% điểm tăng trưởng. Như vậy, nếu so với năm 2016 thì Việt Nam tăng trưởng âm về dầu thô.

Bên cạnh đó, ông Chiểu cũng cho hay, khai thác than, xi măng cũng đều tăng trưởng âm, nên không có căn cứ cơ sở nói là tăng trưởng kinh tế 2017 dựa vào khai khoáng và dầu thô.

Trái lại với đại biểu Hàm, ông Chiểu nhấn mạnh: 2017 là năm đầu tiên tăng trưởng kinh tế không dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và công nghiệp khai khoáng.

Bày tỏ tán thành với cách tính điểm phần trăm tăng trưởng của ông Chiểu, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quang Nam) cũng dẫn Báo cáo 198 của Chính phủ năm 2017 cho thấy tổng ngân sách thu 1.288.660 tỷ đồng, thu dầu thô 49.580 tỷ đồng, tỷ lệ 3,8%, tức đóng góp vào tổng thu là không lớn.

nghi truong nong voi tranh luan ve chat luong tang truong kinh te
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng (Ảnh: Quochoi.vn)

"Cách phát biểu của đại biểu Hàm dễ làm cử tri hiểu rằng tăng trưởng kinh tế năm 2017 là dựa vào dầu thô. Nếu xét về con số tăng trưởng giá trị, tổng thu tăng 76.480 tỷ, trong đó dầu tăng 11.280 tỷ đồng, tỷ lệ 14,75%", ông Dũng nêu rõ.

Đồng ý với đại biểu Hàm rằng dầu thô tăng đóng góp vào phần tăng trưởng kinh tế, nhưng ông Dũng khẳng định, không phải tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào dầu thô, mà tăng chủ yếu từ thu nội địa, tăng 41.880 tỷ đồng, chiếm hơn 54,75% trong con số tổng thu ngân sách năm 2017.

Đáp lại các ý kiến tranh luận, ông Hoàng Quang Hàm cho rằng, trong Báo cáo của Chính phủ nên có thêm các chỉ tiêu để các đại biểu nhìn nhận phù hợp hơn, ví dụ như phải quy đổi ra giá và từng tỷ trọng, từng yếu tố của tăng trưởng để so sánh.

Ông Hàm cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng nhưng giảm lệ thuộc dần vào dầu thô, vốn được coi là "của để dành".

"Trong bức tranh tăng trưởng cần phải nhìn nhận thực chất, bởi tăng trưởng từ dầu thô là khai thác tài nguyên, không phải xuất phát từ sản xuất, kinh doanh, từ nội lực nền kinh tế", ông Hàm góp ý./.