Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định, phương hướng nhiệm kỳ tới, Đảng đứng trước sứ mệnh lịch sử rất quan trọng, lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện sự nghiệp tiến hành đổi mới đồng bộ toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cải thiện rõ rệt đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân và có uy tín và vị thế cao trên trường quốc tế.

Suy thoái: Nguy cơ trực tiếp dẫn đến sự tồn vong của Đảng và chế độ

PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, với sứ mệnh, với trọng trách lịch sử này đòi hỏi Đảng ta mạnh, phải trong sạch, tức là đòi hỏi Đảng thực sự là trí tuệ, là văn minh, gắn bó máu thịt với dân tộc. Chính vì vậy, Đảng ta phải tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng để đạt cho được mục tiêu xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

nghi quyet tw4 dang vien tu soi minh vao 27 bieu hien suy thoai
PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương

Năm 1994, tại Hội nghị Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta đã phát hiện và nêu 4 nguy cơ, trong đó có nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhưng lúc đó gọi là quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sau này được khát quát rộng hơn.

Đến Đại hội XII, Đảng nhận định nguy cơ này chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà có mặt, có bộ phận nghiêm trọng hơn, được Đại hội XII nhận định đây là nguy cơ trực tiếp dẫn đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì thế, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng để ngăn chặn nguy cơ này phải trở thành nhiệm vụ cấp bách.

“Nội dung Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ những biểu hiện suy thoái ở mức độ nào. Sự sự suy thoái diễn ra ở một bộ phận không nhỏ, tức là lớn của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ có chức vụ trong Nhà nước và có cả cán bộ cấp cao. Đây là nguy cơ trực tiếp đối với sự tồn vong của Đảng và của chế độ”- ông Đào Duy Quát nhấn mạnh.

Đảng viên tự đối chiếu với 27 dấu hiệu, biểu hiện suy thoái

Chia sẻ về việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ở tỉnh Bắc Giang, bà Lê Thị Thu Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, tỉnh xác định đây là nội dung rất quan trọng. Từ kinh nghiệm triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Bắc Giang đã triển khai rất quyết liệt và đồng bộ.

“Chúng tôi đã tổ chức học trực tuyến. Lần này, Bắc Giang rất quan tâm chú trọng việc học trực tuyến và đã có tới gần 50% cấp xã, tỉnh tổ chức học trực tuyến và xây dựng một chương trình hành động rất cụ thể với 14 việc cần làm ngay, làm thường xuyên và giao nhiệm vụ cụ thể cho 11 nhóm cơ quan”- bà Hồng nói.

Bà Hồng cho biết, đối với Bắc Giang, từ trước tới nay, chủ trương hướng về cơ sở được thực hiện quyết liệt và đồng bộ. Tuy nhiên, đối với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy sẽ không chỉ dừng ở việc đi tới cấp huyện, mà tới cấp xã, thôn, bản và dự sinh hoạt ở đó để nắm tình hình thực hiện.

Đồng thời, Bắc Giang tập trung vào công tác tự phê bình và phê bình. Ở đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có quy định rõ là hàng tháng chi bộ sinh hoạt thì các đảng viên trong chi bộ phải phát biểu và đối chiếu với 27 dấu hiệu, biểu hiện để tự phê bình, phê bình.

nghi quyet tw4 dang vien tu soi minh vao 27 bieu hien suy thoai
Bà Lê Thị Thu Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang

Từ Trung ương 4 khoá XI, Trung ương đã đặt ra “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Nhưng lần này, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã nhận diện rõ, chỉ mặt, đặt tên một cách khá cụ thể 27 biểu hiện của suy thoái tư tưởng, đạo đức, chính trị.

Trung ương đã chỉ ra rất rõ thế nào là biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, là tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 được xem như là “tấm gương” để các đảng viên soi vào, thẳng thắn nhìn nhận, xem bản thân có mắc phải biểu hiện nào không. Đây chính là mục đích lớn nhất của Nghị quyết Trung ương 4.

“Đối với những chi bộ có đảng viên có dấu hiệu tự diễn biến, tự chuyển hóa hoặc có dấu hiệu vi phạm thì cấp ủy ở đó phải gợi ý. Nếu đảng viên, tập thể cấp ủy đó mà có kết luận của thanh tra, kiểm tra mà đến mức vi phạm nhưng cấp ủy ở đó không gợi ý thì phải chịu hình thức kỷ luật tùy theo quy định”- bà Hồng cho biết.

Nhiều điểm mới trong phê bình và tự phê bình

Hội nghị Trung ương 4 khoá XII họp từ ngày 9-14/10/2016. Ngày 30/10/2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Đến 9/12/2016, Bộ Chính trị triệu tập cán bộ toàn quốc quán triệt với hình thức mới trực tuyến 63 tỉnh, thành.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tất cả các cấp uỷ, tổ chức Đảng trong toàn Đảng đã tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 và gắn với đó là xây dựng Chương trình hành động. Tiến hành phê bình và tự phê bình cuối năm 2016 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.

“Ở đây, có điểm mới là trong phê bình và tự phê bình gắn Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII chúng ta không làm từ trên xuống, không làm từ dưới lên, cũng không làm từ giữa ra mà tiến hành đồng thời ở các cấp, nghĩa là các cấp cùng tiến hành nhưng ở cấp nào cũng lựa chọn những trọng tâm, trọng điểm”- ông Hà nói.

Theo ông Hà, khi các cấp uỷ chọn những trọng tâm, trọng điểm đó thì nhất thiết phải có gợi ý kiểm điểm sâu và cấp ủy phải chỉ đạo theo dõi sát sao. Ví dụ, Bộ Chính trị đã gợi ý kiểm điểm cho 18 ban thường vụ Tỉnh ủy. Tất cả nơi được Bộ Chính trị gợi ý đều bố trí một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị về dự chỉ đạo, theo dõi và có các cơ quan Đảng chỉ đạo. Đây được xem là điểm mới.

“Một việc nữa chính là kiểm điểm gắn với kiểm điểm cuối năm 2016. Hiện nay, một số tỉnh đã làm, một số tỉnh đang làm. Tất cả những vấn đề lớn, những vấn đề nổi cộm, những vấn đề được báo chí, dư luận công luận bức xúc, lên án đều được đưa vào Chương trình kiểm điểm năm 2016 gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Tôi cho rằng đây mới chỉ là bắt đầu”-ông Hà nói.

Với thời gian triển khai còn khá ngắn, nhưng với sự quyết tâm của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, việc triển khai sáng tạo và có những kết quả ban đầu, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05 đang bắt đầu có sự lan tỏa./.