Tính đến nay, một phần Chính phủ Mỹ đã ngừng hoạt động trong 24 ngày liên tiếp, đánh dấu đợt “đóng cửa” chính phủ dài ngày nhất trong lịch sử nước này. Nguyên nhân chính là do Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nghị sĩ đảng Dân chủ vẫn chưa chịu nhượng bộ về khoản chi hơn 5 tỷ USD cho bức tường biên giới. Đã có những tiếng nói từ cả hai đảng, thậm chí từ những người thân tín với Tổng thống Trump kêu gọi chấm dứt bế tắc, đề xuất những giải pháp cho đàm phán giữa hai bên.

ngay thu 24 chinh phu my ngung hoat dong ap luc de nang ca 2 dang
Nếu chính phủ tiếp tục đóng cửa, trong 2 tuần nữa, kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại nhiều hơn khoản 5,7 tỷ USD để xây tường biên giới mà ông Trump yêu cầu. Ảnh: Reuters

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, người được biết đến là thân tín của Tổng thống Mỹ hôm qua (13/1) đã kêu gọi ông Trump tạm thời mở cửa lại một phần chính phủ đã bị đóng cửa hơn 3 tuần qua. Theo ông Lindsey Graham, tạm thời mở cửa Chính phủ trong một vài tuần sẽ cho phép nối lại đàm phán giữa các nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Trong trường hợp đàm phán thất bại, lúc đó, nhà Trắng có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cũng chưa muộn. Trả lời phỏng vấn tờ Fox News, ông Graham nhấn mạnh:

“Trước khi Tổng thống đưa ra được một lựa chọn, chúng ta vẫn trong tình trạng đóng cửa Chính phủ. Tôi kêu gọi mở cửa Chính phủ trong một thời gian ngắn. Ba tuần chẳng hạn để xem chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận hay không.”

Sốt ruột với tình trạng đóng cửa Chính phủ, một nhóm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng đã đề xuất một dự luật nhằm đảm bảo việc trả lương cho các nhân viên liên bang hiện đang phải làm việc không lương khi chính phủ đóng cửa một phần. Theo dự luật này, khoảng 420.000 nhân viên liên bang hiện đang phải làm việc khi chính phủ đóng cửa sẽ được trả lương.

Về phía đảng Dân chủ, các nghị sĩ đảng này trong những ngày qua không ngừng chỉ trích và đổ lỗi tình trạng đóng cửa Chính phủ là do ông Trump. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren, người đang vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 ngày 13/1 đã kêu gọi chấm dứt tình trạng nhân viên Chính phủ bị “biến thành con tốt” trong cuộc mặc cả về ngân sách liên bang:

“Chúng ta cần mở cửa Chính phủ trở lại. Không được để Chính phủ tiếp tục đóng cửa. Các nhân viên Chính phủ không phải là con tốt. Họ nên được quay trở lại làm công việc của mình và được trả lương.”

Tổng thống Donald Trump cho đến nay vẫn từ chối phê chuẩn dự luật ngân sách liên bang trừ khi dự luật phải bao gồm cả khoản chi hơn 5 tỷ USD cho bức tường biên giới. Trong khi phe Dân chủ kiên quyết phản đối yêu cầu của ông và nhấn mạnh, họ sẽ không tiếp tục đàm phán cho đến khi Chính phủ mở cửa trở lại. Tranh cãi giữa hai phe trong Quốc hội Mỹ liên quan đến kế hoạch xây dựng bức tường biên giới đã khiến nhiều hoạt động ở Mỹ tê liệt. Tác động đang càng gia tăng trên khắp đất nước khi Tổng thống Donald Trump không ký thông qua ngân sách cho các khu vực chính phủ không liên quan đến tranh cãi này.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, tình trạng đóng cửa Chính phủ đang gây hao tổn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo ông Beth Ann Bovino, người đứng đầu nhóm chuyên gia kinh tế của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P, với khoảng 1/4 số nhân viên liên bang bị ảnh hưởng, ước tính việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần khiến nền kinh tế này thất thoát khoảng 1,2 tỷ USD/tuần và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng nếu thời gian còn kéo dài. Với mức này, trong 2 tuần nữa, nền kinh tế Mỹ sẽ thiệt hại nhiều hơn khoản 5,7 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump yêu cầu cho bức tường biên giới với Mexico.

Áp lực đang đè nặng đối với cả Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ Quốc hội, trong đó phần nhiều nghiêng về ông chủ Nhà Trắng. Theo cuộc điều tra dư luận mới được công bố gần đây, nhiều người dân Mỹ có xu hướng đổ lỗi cho ông Trump thay vì đổ lỗi cho đảng Dân chủ về tình trạng Chính phủ đóng cửa./.