Hôm nay (21/11), Interpol sẽ tiến hành bầu chọn một lãnh đạo mới trong khuôn khổ phiên họp Đại hội đồng Interpol lần thứ 87 đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 18 đến 21/11. Người được bầu ra mới sẽ thay thế cựu Chủ tịch Mạnh Hồng Vĩ đang bị giam giữ tại Trung Quốc vì cáo buộc nhận hối lộ. Tuy nhiên, cuộc bầu chọn này đang trở thành tâm điểm mới của cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ.

nga va my tranh cai nay lua ve viec bau chon chu tich interpol
Phó chủ tịch Interpol Alexander Prokopchuk. Ảnh: BBC.

Hiện tại, đang có 2 ứng cử viên chính thức là ông Alexander Prokopchuk - quan chức Bộ Nội vụ Nga đồng thời đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Interpol và ông Kim Jong Yang, người Hàn Quốc, hiện đảm trách Quyền Chủ tịch Interpol. Tuy nhiên, ưu thế hiện nay vẫn thuộc về ứng cử viên người Nga, ông Alexander Prokopchuk. Người phát ngôn của tổ chức Interpol cho biết, để được lựa chọn, mỗi ứng cử viên cần có 2/3 số phiếu bầu. Sau đó, sẽ có thể có thêm nhiều vòng bỏ phiếu khác. Đã có nhiều tranh cãi nổi lên từ phía Nga và Mỹ quanh cuộc bỏ phiếu này.

Mỹ ủng hộ ứng viên Hàn Quốc

Hiện tại, Mỹ công khai bày tỏ sự ủng hộ ứng viên Hàn Quốc Kim Jong Yang. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hết lời khen ngợi nhân vật này. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định: “Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia và tổ chức là thành viên của Interpol và tôn trọng quy tắc của luật pháp để chọn ra một nhà lãnh đạo chính trực. Chúng tôi tin tưởng rằng ông Kim Jong Yang đáp ứng được điều này”.

Trợ lý của Thượng nghị sỹ Mỹ Marco Rubio cho biết, văn phòng của ông đang làm việc với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Mỹ để kêu gọi các nước thành viên bỏ phiếu phản đối ứng viên Alexander Prokopchuk. Louis Shelley, chuyên gia nghiên cứu tội phạm xuyên quốc gia, thuộc Đại học George của Mỹ chỉ rằng việc lựa chọn ứng viên người Nga giữ chức Chủ tịch Interpol là “một thảm họa đối với Interpol bởi Chủ tịch là người thành lập các ủy ban làm việc và có ảnh hưởng đến các chính sách của tổ chức”.

Phía Mỹ cáo buộc Nga có tiền sử lợi dụng quyền lực của Interpol để tìm kiếm và theo dõi các đối thủ chính trị của Điện Kremlin. Trước đó hôm 19/11, một nhóm thượng nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ đã công bố bức thư cho rằng việc lựa chọn ông Prokopchuk sẽ là một sai lầm. Trong thư, các thượng nghị sỹ hối thúc chính quyền Tổng thống Donald Trump và các thành viên của Đại hội đồng Interpol phản đối ứng viên Prokopchuk, đồng thời cảnh báo nếu nhân vật này được lựa chọn sẽ gây tổn hại uy tín của Interpol.

Nga lên tiếng phản pháo

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 20/11 cáo buộc Mỹ đang can thiệp vào tiến trình bầu cử Chủ tịch Interpol, nhằm cản trở việc lựa chọn ông Prokopchuk làm người đứng đầu cơ quan này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về bức thư của các nhà lập pháp Mỹ tại một hội thảo trực tuyến, ông Peskov nói: “Chúng tôi chưa tận mắt nhìn thấy bức thư này nhưng chúng tôi đã đọc các thông tin trên truyền thông về bức thư. Tôi cho rằng đó là nỗ lực can thiệp tiến trình bầu cử của một tổ chức quốc tế. Làm thế nào mà chúng ta có thể suy nghĩ theo chiều hướng khác được khi hành động này đã nói lên tất cả?”.

Chủ tịch Interpol sẽ lãnh đạo một ủy ban điều hành họp mặt 4 tháng một lần để đưa ra các chính sách và đường lối cho tổ chức. Tuy vậy, Cơ quan cao nhất của Interpol là Đại hội đồng bao gồm các đại biểu do chính phủ của 194 nước thành viên chỉ định. Trong khi đó, các công việc trực tiếp hàng ngày được điều hành bởi Tổng thư ký./.