Một hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) không thể mang tính chất tạm thời và phải được tất cả các nước ký hiệp ước phê chuẩn.

Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khi phát biểu ngày 25/9, tại hội nghị lần thứ 11 thúc đẩy CTBT có hiệu lực, một hoạt động bên lề kỳ họp thứ 74 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh, cơ chế kiểm tra việc thực hiện toàn diện và cân bằng hiệp ước sẽ chỉ hoạt động khi văn kiện có hiệu lực. Do đó không thể hướng tới một thỏa thuận mang tính tạm thời, ngắn hạn.

Ngoại trưởng Lavrov cũng chỉ ra rằng những tuyên bố sẽ không phê chuẩn CTBT mà Mỹ đưa ra hiện nay đe dọa triển vọng văn kiện này sẽ trở thành thỏa thuận quốc tế sẽ có hiệu lực.

Ngoại trưởng Nga cũng khẳng định Moskva luôn tuân thủ chế độ không tiến hành thử hạt nhân kể từ khi tham gia CTBT.

CTBT do ba nước Mỹ, Liên Xô trước đây và Anh ký năm 1963 và được Đại Hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn từ ngày 24/10/1996.

CTBT cấm tiến hành các vụ thử đầu đạn hạt nhân, kể cả các vụ thử hạt nhân vì mục đích hòa bình. Lệnh cấm này mang tính chất tuyệt đối và toàn diện. Hiện tại 166 quốc gia đã phê chuẩn CTBT.

Tuy nhiên, văn kiện chưa thể có hiệu lực vì chưa được Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập và Iran phê chuẩn, cũng như Pakistan, Ấn Độ và Triều Tiên chưa ký thỏa thuận./.