Trong bối cảnh cuộc chiến chống IS tại Syria đang tiến dần đến thắng lợi, mở ra cánh cửa giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, vấn đề vũ khí hóa học lại một lần nữa được đưa ra, làm nóng thêm những bất đồng giữa các cường quốc, có thể đẩy Syria quay trở lại thời kì đầu của cuộc xung đột đã kéo dài hơn 6 năm qua.

nga my khau chien gay gat ve van de syria tai lien hop quoc
Đại sứ Nga Nebenzia (trái) và Đại sứ Mỹ Haley trao đổi bên lề một cuộc họp tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters

Nga đã bỏ phiếu phủ quyết dự thảo nghị quyết của Mỹ về việc gia hạn sứ mệnh của Cơ chế Điều tra chung Liên Hợp Quốc về vũ khí hóa học tại Syria (JIM). Đây là lần thứ 10 Nga sử dụng lá phiếu phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Syria, kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào năm 2011.

Sứ mệnh của Cơ chế Điều tra chung Liên Hợp Quốc về vũ khí hóa học tại Syria dự kiến hết hiệu lực trong ngày 17/11. Cả Mỹ và Nga đều đang thúc đẩy các dự thảo riêng rẽ về việc kéo dài thời gian hoạt động của Cơ chế này.

Nga mong muốn gia hạn thêm 6 tháng, trong khi Mỹ đề xuất kéo dài thêm 18 tháng thời gian hoạt động của cơ chế này. Dự thảo nghị quyết của Nga cũng đề nghị bỏ sang một bên báo cáo trước đó của nhóm điều tra và tiến hành một cuộc điều tra khác "toàn diện và có chất lượng hơn” về cáo buộc vũ khí hóa học tại Syria.

Dự thảo nghị quyết của Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua nhận được 11 phiếu ủng hộ, trong khi Nga và Bolivia bỏ phiếu chống. Trung Quốc và Ai Cập bỏ phiếu trắng.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho rằng, dự thảo của Mỹ không cân bằng và không có gì mới so với những văn kiện đã được các bên thảo luận trước đó và Nga không ủng hộ.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley lên tiếng chỉ trích hành động của Nga và cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực của mình: “Nga đã ngăn cản cuộc điều tra này nhiều lần, trong đó có cả việc bỏ phiếu phủ quyết dự thảo của Mỹ ngày hôm nay. Nga đã khiến cơ chế điều tra chung vốn được sự ủng hộ của nhiều nước này bị hủy bỏ. Hành động này của Nga có thể tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad”.

Cuộc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết của Nga cũng được thực hiện ngay sau đó tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng không nhận được đủ số phiếu cần thiết để thông qua.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasilly Nebenzia cho biết: “Một số nước thành viên từ chối ủng hộ dự thảo của Nga và họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho việc không gia hạn được Cơ chế điều tra chung. Điều này chứng tỏ có một làn sóng chống lại chính phủ Syria đang được thực hiện và họ lợi dụng Cơ chế này để thực hiện mục tiêu của mình”.

Thực tế bất đồng về việc gia hạn sứ mệnh Cơ chế Điều tra chung Liên Hợp Quốc về vũ khí hóa học tại Syria đơn thuần chỉ là phần nổi của những mâu thuẫn lợi ích giữa Mỹ- Nga trong cuộc chiến tại Syria.

Cơ chế Điều tra chung Liên Hợp Quốc đang thực hiện báo cáo về vụ tấn công vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhoun của Syria vào tháng 4 vừa qua.

Tháng trước, Nhóm điều tra đã công bố một báo cáo cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad gây ra vụ tấn công bằng khí độc sarin, nhưng vấp phải sự phản đối của Nga.

Không phải ngẫu nhiên khi con bài vũ khí hóa học lại được đưa ra vào thời điểm cuộc chiến chống IS tại Syria đang tiến dần đến thắng lợi và các bên đang tập trung vào giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến Syria, với cán cân lợi thế đang nghiêng về phía Tổng thống Syria al-Assad.

Nếu báo cáo vũ khí hóa học được công bố nhằm vào Chính phủ Syria, có thể là cái cớ cho hành động can thiệp quân sự của một bên nào đó vào cuộc xung đột, làm thay đổi cán cân cục diện hoàn toàn của cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Giới quan sát cũng bày tỏ lo ngại, những tranh cãi không có hồi kết về vấn đề sử dụng vũ khí hóa học tại Syria có thể khơi lại những mâu thuẫn bấy lâu nay, đưa Syria quay trở lại những ngày đầu của cuộc xung đột với sự tranh giành lợi ích giữa các cường quốc liên quan./.