Thế giới ngày nay nguy hiểm hơn lúc nào hết, đó là lời khuyến cáo của người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước thời điểm Nga sắp điều động khoảng 100.000 lính đến biên giới phía Đông giáp EU và trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân ngày càng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

nato the gioi dang trong thoi khac nguy hiem nhat
Ảnh: Raigo Pajula/AFP/Getty Images. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thăm căn cứ quân sự Tapa tại Estonia.

Trả lời phỏng vấn trong chuyến thăm doanh trại quân Anh đóng tại Estonia về liệu ông đã biết một thời gian nào nguy hiểm hơn trong sự nghiệp 30 năm của mình hay không, ông Stoltenberg nói: "Tình hình trở nên ngày không thể đoán trước được và khó hơn vì chúng ta đối mặt với quá nhiều thách thức cùng một lúc. Chúng ta có một Triều Tiên đang phổ biến vũ khí giết người hàng hoạt, chúng ta có những tên khủng bố, sự bất ổn và chúng ta có một nước Nga quyết đoán hơn. Thế giới trở nên hiểm nguy hơn."

Từ thứ năm tuần tới (14/9), quân lính Nga và Belarus sẽ tham gia một cuộc diễn tập quân sự chung có thể là lớn nhất của Moscow kể từ chiến tranh lạnh. Theo ước tính, khoảng 100.000 lính, nhân viên anh ninh và các dân quân sẽ có mặt ở khu vực Biển Baltic, miền Tây nước Nga, Belarus và vùng đất Kaliningrad thuộc Nga.

Ở bên kia thế giới, trước làn sóng phản đối trong nước, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa THAAD vốn gây nhiều tranh cãi của Mỹ để chống lại các cuộc tấn công có nguy cơ xảy ra trong tương lai từ Triều Tiên sau khi nước này gần đây phóng tên lửa đạn đạo tới Nhật và đe doạ tấn công lãnh thổ Guam ở Thái Bình Dương của Mỹ cũng như tiến hành thử một thiết bị có thể là nhiệt nguyên tử.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ đe doạ sẽ đáp trả Triều Tiên bằng "bão lửa” nếu nước này còn tiếp tục hăm doạ Mỹ và khẳng định lại điều này vào ngày 7/9 với tuyên bố ông ta đang tập hợp sức mạnh quân sự của Mỹ.

Ông Trump nói: "Hàng chục tỉ đô la đã được đầu tư thêm. Và mỗi ngày thiết bị mới được đưa ra, thiết bị mới và đẹp, tốt nhất trên thế giới và tốt nhất hơn bất cứ nơi nào trên thế giới cho đến nay. Hy vọng là chúng ta sẽ không phải sử dụng chúng để đáp trả Triều Tiên. Nếu chúng ta sử dụng chúng, thì đó sẽ là ngày rất buồn đối với Triều Tiên”.

Ông Trump đã bác bỏ đàm phán với Bình Nhưỡng ở thời điểm hiện tại và Washington hiện nay chú trọng chính sách ngoại giao vào những nỗ lực nhằm đạt được thoả thuận tại Liên Hợp quốc để áp dụng các biện pháp kinh tế hà khắc hơn đối với Triều Tiên như cấm vận dầu mỏ và có thể phong toả hải quân.

Phát biểu trong chuyến thăm căn cứ quân sự NATO tại Estonia ở Tapa, phi trường của Liên Xô cũ nằm cách biên giới Nga 120 km, ông Stoltenberg tỏ ra thận trọng khi được hỏi ông có ủng hộ những đe doạ của Tổng thống Mỹ đối với Bình Nhưỡng hay không, mà theo một số ý kiến đây chính là nguyên nhân khiến tình hình hiện nay tại Đông Nam Á trở nên căng thẳng hơn.

Ông nói: "Nếu tôi bắt đầu đưa ra ý kiến về các giải pháp quân sự tiềm năng, tôi có thể sẽ chỉ làm tình hình trở nên bất ổn và khó khăn hơn nên tôi thiết nghĩ nhiệm vụ của tôi là không tham gia bình luận về vấn đề này. Tôi sẽ hỗ trợ những nỗ lực để tìm ra một giải pháp chính trị được thương lượng."

Về câu hỏi ông có khi nào mường tượng ra một giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng tại Triều Tiên, ông Stoltenberg nói: "Tôi nghĩ điều quan trọng hiện nay là tìm cách để chúng ta có thể tạo ra một tình thế để tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này. Đồng thời, tôi hoàn toàn thấu hiểu và hỗ trợ thông điệp quân sự mà Hàn Quốc đã thực hiện trong khu vực và phần nào đó là Nhật bởi hai nước này có quyền bảo vệ quốc gia mình. Nhật và Hàn Quốc có quyền đáp trả nếu họ thấy đây là những hành động rất hiếu chiến. Tôi cũng ủng hộ sự hiện diện quân và sức mạnh quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc.”

Là nguyên Thủ tướng Na Uy trong vòng 10 năm với dấu ấn thành công trong vấn đề cải thiện môi trường của đất nước mình, ông Stoltenberg đã đảm nhận vai trò là Tổng Thư ký NATO vào năm 2014 và thiết lập một mối quan hệ làm việc khăng khít với Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Barack Obama.

Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm ngoái, trước những ý kiến cho rằng Nhà Trắng có thể xa rời NATO, ông Stoltenberg đã nêu lên các hoạt động can thiệp nổi bật phải hy sinh đến tính mạng của các nước thành viên NATO khi đến cứu trợ Mỹ sau cuộc tấn công khủng bố tại Mỹ vào ngày 9/11. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã mô tả NATO là lỗi thời.

Vào tháng 5/2017, ông Stoltenberg là người phải đứng ra xoa dịu sau khi Tổng thống Mỹ trong dịp khai trương toà nhà mới của NATO tại Brussels đã sử dụng cơ hội này để quở trách 23 trong 29 nước thành niên NATO đă không chi đủ cho quốc phòng. Một số nhà lãnh đạo NATO đã sửng sốt bởi tính chất và thời điểm của phát ngôn này.

Được hỏi liệu ông Trump có phải là nhân vật lý tưởng để tháo gỡ tình hình an ninh hỗn đoạn như hiện nay, ông Stoltenberg quả quyết rằng 29 nước thành viên NATO nội bộ đoàn kết nhất trí. Ông nói: "Ông Donald Trump là Tổng thống mà nước Mỹ lựa chọn. Và NATO là một liên minh tập thể gồm 29 nền dân chủ. Và các nhà lãnh đạo chính trị khác nhau được bầu chọn đó là một phần của dân chủ."

Ông Stoltenberg không cho rằng có mối đe doạ sắp xảy ra đối với các nước thành viên NATO và việc tăng chi phí quốc phòng đã củng cố liên minh quân sự này trong những năm gần đây.

Ông Stoltenberg đã hoàn tất chuyến công du đến bốn nhóm tác chiến đóng tại Estonia, Latvia, Lithunia và Ba Lan là các lực lượng mà NATO tăng cường để bảo vệ các đường biên giới phía Đông.

Ông Stoltenberg cho biết việc điều động quân mang tính "phòng thủ” này là một thông điệp đối với Nga rằng bất kỳ một cuộc tấn công nào vào một nước đồng minh của NATO cũng là tấn công vào toàn khối và ông Stoltenberg vấn tin tưởng vào tình hình an ninh ở khu vực Đông Âu.

Song người đứng đầu NATO cùng bày tỏ quan ngại về hoạt động diễn tập quân sự của Nga sắp tới mà không có sự giám sát của các quan sát viên quốc tế./.