Bộ trưởng Quốc phòng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương(NATO) đã nhóm họp trong hai ngày 14-15/02 tại Brussels, Bỉ để thảo luận một loạt các vấn đề về cơ cấu chỉ huy, chia sẻ trách nhiệm tài chính và vai trò của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đây là một trong các hoạt động trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra vào tháng 7/2018.

Một trong những vấn đề được tập trung giải quyết trong hội nghị lần này là quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, 2 thành viên quan trọng nhất trong liên minh xuyên Đại Tây Dương này.

Chủ đề tranh cãi chính giữa hai nước là chiến dịch "Nhành Ô-liu" do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành ở tỉnh Afin, miền bắc Syria. Căng thẳng đã đạt đến đỉnh điểm khi Tổng thống Erdogan đăng đàn tố cáo Mỹ lợi dụng cuộc chiến tại Syria để bảo trợ cho lực lượng người Kurd (YPG), tổ chức mà Ankara xếp vào danh sách khủng bố ngay trước thềm hội nghị.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong một tuyên bố chính thức cũng đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng, chiến dịch của Ankara có thể làm chệch hướng cuộc chiến chống IS tại Syria.

Phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg cho rằng, những quan ngại an ninh của Ankara là chính đáng vì "không đồng minh NATO nào khác phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn Thổ Nhĩ Kỳ".

Tuy nhiên, ông Stoltenberg đồng thời cũng nhấn mạnh, "Song nước này cần hành động một cách phù hợp".

nato nghi ky chia re vi tho nhi ky va tien

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo trước hội nghị

Bên cạnh đó, vấn đề chia sẻ trách nhiệm tài chính và các dự án thầu quốc phòng của châu Âu cũng gây ra những tranh cãi gay gắt giữa Mỹ và các thành viên EU.

Năm 2016, các nước NATO đã thống nhất tiến tới chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng vào năm 2024.

Kế hoạch là vậy nhưng triển vọng đáp ứng được các mục tiêu mà các nước NATO đặt ra cho chi tiêu quốc phòng được đánh giá vẫn còn rất xa vời. Theo số liệu của NATO, Anh, Hi Lạp, Romania và các nước Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania có thể đáp ứng mục tiêu 2%.

Nhưng Tây Ban Nha đã công khai tuyên bố sẽ không đáp ứng được mục tiêu 2024, còn triển vọng tại Bỉ và Italy là khá mơ hồ.

Và các dự án hàng tỉ euro tại Đức cũng được cho là chưa đủ để quốc gia này đáp ứng mục tiêu 2% GDP vào năm 2024. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump khẳng định 2% là mức “tối thiểu”.

Ngoài vấn đề chia sẻ tài chính, việc các nước châu Âu đóng cửa với các công ty sản xuất vũ khí của Mỹ trước các dự án thầu quốc phòng cũng là một phần nguyên do Mỹ gay gắt với các thành viên EU trong hội nghị lần này.

Trước thềm cuộc họp, Mỹ đã cảnh báo, "Dự án quốc phòng PESCO phải có chừng mực nhất định. EU có dự án quốc phòng riêng cũng được, nhưng không được lấy cớ dự án riêng để đóng cửa thị trường vũ khí. Mỹ phải được tiếp tục bán vũ khí vào châu Âu".

Bất chấp các lo ngại trên, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tin tưởng, các bên sẽ đạt được sự cân bằng thỏa đáng về việc chia sẻ các gánh nặng giữa châu Âu và Bắc Mỹ.