Việc Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định song phương và đa phương đã mở ra nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu chè. Tuy nhiên để tận dụng được lợi thế đó thì ngành chè cần phải hoàn thiện nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất.

nang chat luong che xuat khau
Ngành chè Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm

Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7 và xuất khẩu chè lớn thứ 5 toàn cầu, với 124.000 ha diện tích trồng chè và hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến. Hiện nay, chè được trồng tại 28 tỉnh thành với diện tích 134.000 ha và sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 300 đơn vị, cá nhân tham gia. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2017 lượng chè xuất khẩu đạt 139,8 nghìn tấn với kim ngạch 228 triệu USD, tăng 6,8% về lượng và 4,9% về trị giá so với năm 2016, giá xuất khẩu chè bình quân đạt 1.630,6 USD/tấn.

Hiện nay, chè được trồng tại 28 tỉnh thành với diện tích 134.000 ha. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đang cạnh tranh khá tốt với các sản phẩm cùng loại của các nước khác. Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, thời gian qua các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu định hướng sản xuất chè bền vững đạt các chứng nhận quốc tế như Organic, Rainforest Alliance, Fairtrade… và từng bước tiếp cận các thị trường có giá trị gia tăng cao cho sản phẩm như Mỹ, Nhật và EU.

Tuy nhiên, chè Việt Nam hiện mới chỉ được xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu, thương hiệu vẫn còn hạn chế và chủ yếu xuất sang Trung Đông, Đài Loan và Nga.

Thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2017, trong 10 thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam thì đứng đầu là Pakistan và thứ hai là Đài Loan. Xuất khẩu chè của Việt Nam sang Pakistan trong năm 2017 đạt 32 nghìn tấn (68,7 triệu USD), giảm 17,6% về lượng và 12,5% về trị giá so với năm 2016, chiếm 30,1% tổng trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam.

Trong 2 tháng đầu năm 2018, hầu hết các mặt hàng chè xuất khẩu đều giảm cả về lượng và trị giá. Xuất khẩu chè trong tháng 2/2018 đạt 6 nghìn tấn và 8,8 triệu USD, nâng lượng và trị giá xuất khẩu chè trong 2 tháng đầu năm 2018 đạt 16,5 nghìn tấn và 25,8 triệu USD, giảm 5,6% về lượng nhưng tăng 0,3% trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Theo Bộ Công thương, trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam tăng chậm trong 2 tháng đầu năm 2018 là do ảnh hưởng từ dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán trong tháng 2/2018 đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu của cả nước.

Để nâng cao chất lượng chè xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng cần phải nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu lớn. Đơn cử như EU đang là thị trường nhập khẩu chè lớn trên thế giới nhưng thị phần chè của Việt Nam sang thị trường này lại rất ít.

Trong năm 2017, EU nhập khẩu chè với trị giá đạt 208,3 triệu Euro, giảm 7,3%, lượng nhập khẩu đạt 57,5 nghìn tấn, giảm 7,8% so với năm 2016. Thị phần nhập khẩu chè từ Việt Nam chỉ chiếm 0,5% tổng trị giá nhập khẩu chè của EU trong năm 2017. Nguyên nhân bởi các DN xuất khẩu không đáp ứng đủ các yêu cầu tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm. Chính vì thế, việc nâng cao giá trị sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các DN xuất khẩu chè tiếp cận thị trường tiềm năng này.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh liên kết, sản xuất theo chuỗi có ý nghĩa rất quan trọng và được chứng minh là mô hình phù hợp trong sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên các chuỗi giá trị sản xuất chè ở nước ta hiện nay còn ít và mới được thực hiện ở một số tỉnh, như Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Lâm Đồng… tỉnh Thái Nguyên đã và đang áp dụng rất tốt sản xuất theo chuỗi vào quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

Ban Quản lý Dự án phát triển chè (Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên) đang triển khai Dự án "ứng dụng dòng chế phẩm bảo vệ thực vật Anisaf SH và chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại Thái Nguyên". Việc sản xuất theo chuỗi giá trị đã nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của các nước nhập khẩu chè lớn trên thế giới.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, trong thời gian tới hiệp hội sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa ra những quy định tốt hơn về quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cũng như những hỗ trợ trong việc đào tạo người nông dân, nhằm tạo ra các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, khuyến khích những DN, tập đoàn lớn đủ tiềm lực tham gia để đưa ngành chè phát triển và xây dựng được thương hiệu chè cho Việt Nam trên trường quốc tế.