nang cao nhan thuc ve phong chong xam hai tre em
Toàn cảnh hội nghị

Giai đoạn từ 1/1/2015 đến 30/6/2019, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 31 văn bản chỉ đạo, triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Sở ban hành 38 văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình và cộng đồng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, thực tế tình hình xâm hại trẻ em đang có diễn biến phức tạp, khó lường và có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận 135 trẻ em bị xâm hại; tình trạng trẻ em bị xâm hại, nhất là bạo lực học đường, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục đang diễn ra ngày càng nhiều, tính chất phức tạp, nghiêm trọng, để lại những hậu quả vô cùng nặng nề cho các em nhỏ là nạn nhân; công tác đấu tranh với tội phạm vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đoàn giám sát đã đánh giá, phân tích một số tồn tại: như công tác truyền thông vận động, nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, cũng như những vấn đề liên quan đến giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi trẻ em chưa rộng khắp, có nơi còn hạn chế; công tác phối hợp giữa Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan; kinh phí đầu tư cho việc thực hiện các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu…

Theo báo cáo, từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2019, toàn tỉnh phát hiện 135 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó có 103 trẻ em nữ, 32 trẻ em nam. Các hình thức xâm hại chủ yếu là xâm hại tình dục và bạo lực. Các cơ quan chức năng đã xét xử 112 vụ án với 120 bị cáo, trong đó, không có vụ án nào bị kháng nghị.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã yêu cầu Công an tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh làm rõ thêm một số nội dung như: công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em; đánh giá hiệu quả của “Tòa án gia đình và người chưa thành niên” và “Tòa án giả định” trong việc nâng cao nhận thức phòng, chống xâm hại trẻ em; công tác trợ giúp pháp lý đối với những đối tượng bị xâm hại…

Trước đó, Đoàn công tác đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Ghi nhận các ý kiến đưa ra tại hội nghị, đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị: Viện Kiểm sát nhân dân tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác điều tra, tố tụng; cần có giải pháp cụ thể hơn trong phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và chủ động tuyên truyền công tác phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua xét xử; đồng thời rà soát các bản án để Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu phát triển án lệ về vấn đề này.

Những nội dung của buổi giám sát sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tổng hợp, phục vụ cho buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về vấn đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em vào ngày 17/9 tới đây./.