nang cao gia tri kinh te cua cay che
Nông dân xóm Lai Thành, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) thu hái chè vụ xuân.

Ngày đầu năm ở Phúc Trìu khá nhộn nhịp. Sau chuỗi ngày nghỉ đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, người làm chè trong xã lại bắt tay vào sản xuất chè vụ xuân. Chị Phạm Thị Hạnh, xóm Lai Thành cho biết: Do thời tiết ấm áp nên ngay sau khi ăn Tết xong, chúng tôi đã được thu hái lứa chè xuân đầu tiên.

Chúng tôi cảm nhận được niềm vui trong mắt những người làm chè ở vùng quê này. Ngót cả trăm năm gắn bó với cây chè, đến nay, bà con đã biết phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để tạo dựng một vùng chè đặc sản khá rộng lớn của tỉnh với 350 ha, trong đó có 340ha chè kinh doanh. Nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn phá những diện tích chè già cỗi, năng suất thấp để trồng thay thế vào đó các giống chè lai (Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, LDP1…) cho năng suất, chất lượng tốt; tập trung đầu tư thâm canh chè như bón phân cân đối, đầu tư giàn phun tưới… góp phần đưa năng suất chè của xã tăng cao. Hiện, năng suất chè của Phúc Trìu đạt 160 tạ chè búp tươi/ha/năm, cao hơn bình quân chung của tỉnh 40 tạ/ha/năm; cao hơn 50 tạ/ha/năm so với 5 năm trước.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, một hộ sản xuất chè ở xóm Khuôn 2 nói: Đi qua bao thăng trầm cùng với cây chè, chúng tôi đã ý thức sâu sắc được một điều rằng: Muốn sản xuất chè mang tính chất hàng hoá thì sản phẩm tiêu thụ ra thị trường phải có tính cạnh tranh cao. Bởi lẽ ấy, gần chục năm nay, cùng với việc chủ động chuyển đổi, cải tạo vườn chè, chúng tôi đã liên kết với nhau thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm chè; đầu tư sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).

Hiện nay, hầu hết các hộ dân ở Phúc Trìu đều sản xuất chè theo quy trình VietGAP, trong đó có 120ha được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tập trung ở các xóm Khuôn 2, Lai Thành, Cây De, Phúc Thuần, Đồi Chè... Có ý thức sản xuất sản phẩm chè chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên 2 năm nay, giá bán chè búp khô bình quân ở Phúc Trìu luôn duy trì ổn định ở mức từ 150 đến 300 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, trên địa bàn xã đã có một số hộ và cơ sở sản xuất chè cao cấp, sản phẩm được tiêu thụ khá ổn định, có giá bán từ 600 nghìn đến 2 triệu đồng/kg. Giá bán chè tăng cao đồng nghĩa với đời sống của người làm chè được nâng lên. Hiện tại, xã có hơn 300 hộ sản xuất chè có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Năm 2016, thu nhập bình quân từ 1ha chè của xã đạt 155 triệu đồng, cao hơn bình quân chung của tỉnh hơn 50 triệu đồng.

Người dân Phúc Trìu đang phát triển sản xuất chè đúng hướng khi giá trị kinh tế của cây chè và đời sống của người làm chè ngày càng tăng; 15/15 xóm của xã được công nhận làng nghề chè truyền thống…. Tuy nhiên, địa phương này vẫn gặp không ít khó khăn khi diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGAP của Phúc Trìu còn thấp so với tiềm năng. Hiện nay, xã mới có 120 ha chè được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, việc đầu tư phát triển chè ở đây mới mang tính tự phát, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, nhất là đầu tư vào chế biến, xuất khẩu sản phẩm chè. Các cơ sở sản xuất, chế biến chè trong xã chưa trang bị được các phương tiện bảo quản sau thu hoạch. Một trở ngại lớn đối với vùng chè đặc sản này nữa là việc tổ chức quản lý nhãn hiệu tập thể chè còn thiếu đồng bộ, chưa có sự kiểm soát chặt chẽ…

Do vậy, để sản phẩm chè có tính cạnh tranh cao trên thị trường giúp cây chè phát triển ổn định, bền vững, thời gian tới, Phúc Trìu sẽ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp theo hướng đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cây chè trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất. Cùng với đó, là chế biến chè theo hướng sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng…

Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người sản xuất chè, Phúc Trìu rất mong các cấp, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề cũng như hỗ trợ mở rộng diện tích chè được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng, nhân rộng mô hình trình diễn khuyến nông về sản xuất, chế biến chè và mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè.