Đây là những hình ảnh tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện Đồng Hỷ vào thời điểm các học viên đang nỗ lực để hoàn thành đơn hàng cho Công ty Mây tre đan Bắc Ninh. Đối với học viên Nông Văn Dương, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, 47 tuổi, việc chữa bệnh và làm việc tại cơ sở giúp cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Đánh mất 10 năm lao vào con đường nghiện ngập, giờ đây học viên Nông Văn Dương quyết tâm cai nghiện để trở về với gia đình. Anh Dương chia sẻ: “Được thày cô giúp đỡ, chúng tôi đã vượt qua những ngày khó khăn, chúng tôi ở đây đoàn kết, vui vẻ, hòa thuận với nhau”.

nang cao chat luong dieu tri tai co so dieu tri cai nghien ma tuy tu nguyen da psts
Những hình ảnh tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện Đồng Hỷ vào thời điểm các học viên đang nỗ lực để hoàn thành đơn hàng cho Công ty Mây tre đan Bắc Ninh.

Vào cơ sở từ tháng 8/2019, tuy không phải là học viên lâu nhất, nhưng anh Lục Văn Ba, xóm Đồng Lâm, xã Tân Hợi, huyện Đồng Hỷ, vẫn được các học viên gọi bằng cái tên thân mật “Lớp trưởng”. Không chỉ có nhiệm vụ tham gia sản xuất, anh Ba còn kiêm thêm việc quán xuyến, nhắc nhở anh em học viên, hướng dẫn những học viên mới kỹ thuật làm ra các sản phẩm mây tre đan, làm vườn, chăn nuôi. Anh Lục Văn Ba chia sẻ: “Sau khi ở trong này ra, trở lại người bình thường, tôi mong sao trở thành một người con hiếu thảo, là công dân có ích cho gia đình và xã hội”.

Với đặc thù công việc, anh Chu Văn Thế, cán bộ quản lý giáo dục tại cơ sở đã quen với việc phải trực đêm và quản lý, hỗ trợ học viên thường xuyên 24/24h. Đặc biệt, đối với những học viên mới, việc hỗ trợ điều trị cắt cơn yêu cầu có sự theo dõi, quan tâm sát xao, sự động viên, khích lệ liên tục để các học viên sớm hòa nhập với môi trường sinh hoạt tại cơ sở. Anh Thế cho biết: “Thời gian trực cũng áp lực, tuy nhiên các học viên ở đây cũng ngoan ngoãn, hòa đồng, không xảy ra đánh nhau và trốn trại trong năm 2019”.

nang cao chat luong dieu tri tai co so dieu tri cai nghien ma tuy tu nguyen da psts
Các học viên tăng gia làm vườn, chăn nuôi phục vụ sản xuất và đời sống hàng ngày.

Trung bình, cơ sở có khoảng 20-25 học viên, tham gia vào 3 nhóm hoạt động: sản xuất mây tre đan; chăn nuôi, trồng trọt; nấu bếp. Mỗi học viên, tùy vào mức độ sẽ có thời gian cai nghiện từ 6 tháng đến 2 năm. Để nhanh hồi phục sức khỏe cho học viên, cơ sở đã quan tâm đến đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn của học viên, xây dựng phòng tập phục hồi chức năng hỗ trợ điều trị; đồng thời, dạy nghề để hỗ trợ cho học viên sau cai có thể tìm kiếm việc làm, đảm bảo cuộc sống. Ông Lý Ngọc Tân, Phó Giám đốc Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ cho biết: “Đây là đơn vị tự nguyện, do vậy hướng để sản xuất, phát triển kinh tế, chúng tôi tập trung hợp đồng với các công ty, để tạo điều kiện cho các em lao động, sản xuất, bên cạnh đó, chung tôi cũng tăng gia sản xuất để phục vụ cho đời sống của cán bộ cũng như các em ở trong này”.

Với quan điểm "cơ sở cai nghiện ma túy là nơi chữa bệnh”, thời gian qua, Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ đã chăm lo cho người nghiện theo đúng tinh thần “Đến để chữa bệnh chứ không phải bị cách ly”. Nhiều học viên sau cai nghiện trở về địa phương hòa nhập cộng đồng đã trở thành công dân có ích cho xã hội. Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ chỉ là 1 trong số 7 cơ sở cai nghiện đã thực hiện chuyển đổi mô hình cai nghiện và đang cho thấy sự đúng đắn trong việc triển khai Kế hoạch 01 năm 2016 của UBND tỉnh về đổi mới công tác cai nghiện và mô hình chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, trên địa bàn tỉnh Thái nguyên./.