Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (22/4) đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, đây là cách Mỹ buộc Iran phải hành xử như những “quốc gia bình thường”.

my giang bay de iran tu xe bo thoa thuan hat nhan
Mỹ đang tìm cách cắt nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Iran. Ảnh minh họa: Reuters.

“Với thông báo này, chúng tôi đã thể hiện mục đích khá rõ ràng. Các hoạt động xuất khẩu dầu của Iran sẽ trở về con số 0 và nó kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào hành động của lãnh đạo của quốc gia Hồi giáo này. Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu và sức ép buộc Iran phải thực hiện. Chúng tôi sẽ tục gia tăng sức ép cho đến khi Iran sẵn sàng giải quyết chúng trên bàn đàm phán”, ông Pompeo nói.

Năm 2018, Mỹ đưa ra 12 điều kiện mà Iran sẽ phải thực hiện để các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, bao gồm chấm dứt mọi hoạt động làm giàu uranium, cắt giảm hỗ trợ cho một số nhóm vũ trang tại Yemen và rút khỏi Syria.

Giới phân tích cho rằng, động cơ thực sự của các lệnh trừng phạt là cố gắng buộc Iran phải “ vượt rào”, tự mình “xé bỏ” thỏa thuận hạt nhân Iran, mà các nước EU và đồng minh của Mỹ đang nỗ lực bảo vệ.

Iran hôm 22/3 lên tiếng cảnh báo sẽ phá vỡ hoạt động vận chuyển dầu mỏ bằng đường biển đi qua eo biển Hormuz, một tuyến vận chuyển quan trọng tại vùng Vịnh. Nếu kịch bản này xảy ra sẽ đẩy giá dầu lên mức cao đỉnh điểm, ảnh hưởng đến cả các nước xuất và nhập khẩu dầu. Ngoài ra, nếu Iran dùng các áp lực vào eo biển Hormuz như một biện pháp đáp trả, rất có thể Mỹ sẽ can thiệp quân sự.

Chuyên gia phân tích Suzanne DiMaggio thuộc Viện Hòa bình Quốc tế cho rằng, muốn Iran tự tay xé bỏ thỏa thuận hạt nhân là một trong những mục tiêu của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, mục tiêu này của Mỹ sẽ khó thực hiện được, khi Iran đủ hiểu động cơ và ở giai đoạn này, họ sẽ không bị cuốn vào “trò chơi” không phục vụ lợi ích của cho mình.

Iran hôm qua (22/4) cũng khẳng định sẽ phối hợp với các đối tác nước ngoài, trong đó có châu Âu, cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng để đưa ra “hành động phù hợp".

Xung đột Mỹ-Iran sẽ bị đẩy lên nấc thang nào hiện không chỉ phụ thuộc vào hành động của Iran, mà điều quan trọng hơn là liệu Mỹ có thể thuyết phục được các khách hàng còn lại ngừng mua dầu của Iran hay không?

Các nhà phân tích cho rằng, Ấn Độ có thể sẽ tuân thủ theo yêu cầu của Mỹ sau cuộc tổng tuyển cử. Trong khi đó, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều bày tỏ sự “khó chịu” khi bị các nước khác yêu cầu họ được phép mua dầu của ai.

Phản ứng trước quyết định mới nhất của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, bước đi của Mỹ không phục vụ cho hòa bình và ổn định khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận các biện pháp trừng phạt đơn phương và áp đặt quan điểm về mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng. Trung Quốc cũng khẳng định phản đối biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ nhằm vào Iran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định: Trung Quốc luôn phản đối cái gọi là "trừng phạt đơn phương" và "quyền tài phán" của Mỹ. Hợp tác của Trung Quốc với các công ty Iran là công khai, minh bạch, hợp lý và hợp pháp, và cần được tôn trọng. Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ quyền hợp pháp của các công ty Trung Quốc. Chúng tôi sẵn sàng đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng để thúc đẩy sự ổn định của thị trường năng lượng quốc tế”.

Thực tế cả hai quốc gia này đều đang trong các tranh chấp phức tạp với Mỹ và việc mua dầu của Iran có thể là một lợi thế đối trọng. Trong khi đó, Nhật Bản - quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 4 trên thế giới hôm 22/4 chưa đưa ra lập trường rõ ràng, với tuyên bố đang theo dõi diễn biễn thị trường dầu quốc tế và sẽ cân nhắc đưa ra bước đi cần thiết.

Theo giới quan sát, cho đến thời điểm này, Trung Quốc – đối tác mua dầu lớn nhất của Iran, có khả năng sẽ bỏ qua các lệnh trừng phạt của Mỹ. Và nếu Trung Quốc hay bất cứ nước nào muốn tiếp tục mua dầu của Iran, họ cũng sẽ có cách để thực hiện những giao dịch, không bị ảnh hưởng nếu nằm trong biện pháp trừng phạt của Mỹ./.