Giống như những gì đã từng xảy ra hồi tháng 12/2017 khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, quyết định của Tổng thống Trump đối với cao nguyên Golan tiếp tục gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới, ngay cả các nước vốn là đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Âu và vùng Vịnh.

my cong nhan golan thuoc israel syria keu goi hdba hop khan
Mỹ công nhận chủ quyền của Cao nguyên Golan thuộc Israel ngày 25/3 gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Reuters

Một ngày sau khi kịch liệt phản đối quyết định của Mỹ, phái bộ Syria tại Liên Hợp Quốc ngày 26/3 đã gửi một bức thư tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an tổ chức ngay một cuộc họp khẩn để thảo luận về cao nguyên Golan và sự vi phạm nghiêm trọng của Mỹ - một nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đối với các nghị quyết có liên quan của cơ quan này.

Pháp - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an cho biết, hiện Hội đồng Bảo an chưa thể lên kế hoạch tổ chức ngay lập tức một cuộc họp như vậy song có nói rằng, các thành viên Hội đồng Bảo an sẽ thảo luận tại Hội đồng về đề nghị của Syria.

Trước đó, cuối tuần qua, Syria cũng đã viết một bức thư gửi tới Hội đồng Bảo an đề nghị cơ quan này ủng hộ các nghị quyết yêu cầu Israel rút khỏi cao nguyên Golan. Kết hợp 2 đề nghị này của Syria, Hội đồng Bảo an dự kiến sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Golan trong một cuộc họp làm mới thẩm quyền của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại cao nguyên Golan diễn ra hôm nay (27/2).

Trong lúc này, quyết định của Tổng thống Mỹ cách đây 2 ngày công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan tiếp tục vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong đó có các đồng minh châu Âu của Mỹ. Ngày 26/3, 5 nước châu Âu có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm Bỉ, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã bác bỏ quyết định trên của Tổng thống Trump, đồng thời bày tỏ quan ngại động thái này của Mỹ có thể gây ra hậu quả to lớn. Cả 5 nước trên khẳng định lập trường của Liên minh châu Âu không bao giờ thay đổi và cao nguyên Golan vẫn là lãnh thổ Syria do Israel chiếm đóng.

Phát biểu trước báo giới, đại diện cho 5 nước - Đại sứ Bỉ tại Liên Hợp Quốc Marc Pecsteen de Buytswerve nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi về trạng thái của cao nguyên Golan đã rõ và quan điểm này sẽ không thay đổi. Căn cứ trên luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, trong đó có nghị quyết 242 và 497, chúng tôi không công nhận chủ quyền của Israel đối với vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng từ tháng 6/1967, trong đó có cao nguyên Golan và không xem đây là lãnh thổ của Israel.

Luật pháp quốc tế ngăn cấm việc sáp nhập lãnh thổ bằng vũ lực. Bất cứ tuyên bố đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng biên giới đều đi ngược lại cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chúng tôi quan ngại về những hệ lụy to lớn của việc công nhận hành vi sáp nhập bất hợp pháp này và những hệ lụy có thể gây ra đối với khu vực”.

Điện Kremlin trong một tuyên bố mới nhất đưa ra hôm 26/3 cảnh báo, quyết định của Mỹ sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực cho sự ổn định của Syria.

Tuyên bố do người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskop nêu rõ: “Quyết định công nhận cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực, xét trên quan điểm ổn định tình hình khu vực Trung Đông và Syria. Điều quan trọng, bước đi của Mỹ chính là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định này”.

Cùng ngày, nhiều nước trên thế giới trong đó có các quốc gia vùng Vịnh như: Kuwait, Bahrain, Qatar, Palestine… cũng bày tỏ sự ủng hộ dành cho Syria về vấn đề chủ quyền cao nguyên Golan.

Giới phân tích khu vực nhận định, động thái trên của nhà lãnh đạo Mỹ không những “đảo chiều” chính sách của Mỹ suốt nhiều năm mà còn đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về khu vực này, vốn coi việc Israel chiếm đóng cao nguyên Golan trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ năm 1981 là “vô nghĩa, không có giá trị và không có hiệu lực pháp lý quốc tế”.

Dù chỉ mang tính biểu tượng, không thay đổi được hiện trạng cao nguyên Golan, song việc Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan được nhìn nhận sẽ đổ thêm dầu vào “chảo lửa” Trung Đông, thổi bùng thêm những mâu thuẫn sắc tộc tôn giáo, sự tranh giành ảnh hưởng giữa các thế lực cả bên trong lẫn bên ngoài, đẩy nền hòa bình khu vực ngày càng trở nên mong manh./.