Trong một bước đi cho thấy sự đảo chiều chính sách quan trọng của chính quyền Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 20/6 ký sắc lệnh hành pháp chấm dứt chính sách nhập cư “không khoan nhượng” vốn đang gây chia rẽ trên chính trường Mỹ, cũng như vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nước và tổ chức quốc tế.

Theo quyết định mới, thành viên của các gia đình nhập cư có thể ở cùng nhau tại biên giới với Mexico, thay vì bị chia cắt giữa con cái khỏi cha mẹ như trước đây.

my bat ngo dao chieu chinh sach nhap cu nhieu nuoc hoan nghenh
Trẻ em nhập cư tại khu trại ở Tornillo, Texas, gần biên giới Mexico ngày 19/6. Ảnh: Reuters

Phát biểu với báo chí sau khi kí sắc lệnh, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, từ sâu thẳm trái tim, ông không muốn các gia đình bị chia tách. Sắc lệnh mới vẫn duy trì các thủ tục tố tụng hình sự đối với những người vượt biên trái phép, song bố mẹ và con cái sẽ được giam giữ cùng nhau trong thời gian chờ đợi chính quyền xem xét hồ sơ.

Theo ông, bước đi mới này vẫn đảm bảo nước Mỹ có một biên giới “vô cùng vững mạnh” và ông hi vọng sẽ diễn ra song song với việc dự thảo luật về vấn đề nhập cư sẽ được Quốc hội thông qua. Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ xem xét một dự luật về vấn đề này trong ngày hôm nay.

Tổng thống Donald Trump nói: “Tôi đã ký một sắc lệnh hành pháp mà tôi cho là rất quan trọng, đó là cho phép thành viên của các gia đình nhập cư có thể ở cùng nhau, mà vẫn đảm bảo chúng ta sẽ có một biên giới vô cùng mạnh mẽ. Tôi không thích cảm giác khi nhìn thấy các gia đình bị chia tách. Nhập cư là một vấn đề tồn tại từ nhiều thập niên nay và cùng với nhau chúng ta sẽ giải quyết nó. Chúng ta phải đảm bảo được một đường biên giới vô cùng mạnh mẽ và tiếp tục không khoan nhượng đối với những người nhập cư bất hợp pháp”.

Sự đảo chiều trong chính sách nhập cư này đã gây bất ngờ trong chính giới và xã hội Mỹ. Từ nhiều ngày nay, Chính phủ Mỹ nhiều lần nhấn mạnh, nước này sẽ chỉ hành động theo luật pháp và chỉ duy nhất một sự thay đổi được Quốc hội thông qua mới có thể chấm dứt chính sách “không khoan nhượng” gây tranh cãi. Nhiều nghị sĩ và tổ chức nhân quyền đã chỉ trích mạnh mẽ cách tiếp cận của người đứng đầu nước Mỹ.

Vài phút sau khi sắc lệnh được ký, con gái Tổng thống Trump, Ivanka, viết trên trang mạng cá nhân Twitter, gửi lời cảm ơn Tổng thống vì đã đưa ra quyết định quan trọng nhằm chấm dứt sự chia cách của các các gia đình tại biên giới.

Bước đi cũng nhận được phản ứng tích cực từ quốc tế, đặc biệt là những nước Trung Mỹ. Đầu tiên phải kể đến Mexico, quốc gia láng giềng phía Nam, nơi dòng người nhập cư trái phép vẫn đang ngày ngày đổ vào nước Mỹ. Trên tài khoản Twitter, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray cho rằng, đây là một tin tức tốt lành, chấm dứt sự chia rẽ "dã man và vô nhân đạo" các trẻ em nhập cư với cha mẹ chúng. Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Mexico đã ra thông cáo lên án chính sách gây ly tán gia đình này là “tàn bạo và vô nhân tính”.

Chính phủ Guatemala cũng hoan nghênh quyết định của Tổng thống Donald Trump đảo ngược lại chính sách di trú đang làm ly tán các gia đình. Trong khi đó, Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez, người đang có chuyến thăm chính thức tới Washington, đánh giá quyết định của người đồng cấp Mỹ là tích cực.

Tuy nhiên, dù chính sách “không khoan nhượng” đối với người nhập cư đã bị hủy bỏ, song chặng đường để thông qua dự luật về vấn đề nhập cư tại Quốc hội được dự báo là khá chông gai, dù đảng Cộng hòa chiếm đa số tại cả hai viện.

Trong một dấu hiệu phần nào cho thấy sự rối ren trên chính trường Mỹ, vài giờ trước khi Tổng thống ký sắc lệnh, thủ lĩnh phe Cộng hòa tại Hạ viên Paul Ryan thông báo sẽ trình lên Quốc hội một dự luật nhằm ngăn chặn tình trạng chia tách của các gia đình nhập cư. Tuy nhiên, ông lại không chắc chắn có thể nhận được sự ủng hộ của tất cả các nghị sĩ Cộng hòa khác, kể cả phe bảo thủ lẫn ôn hòa đối với một văn kiện, mà sẽ phải bao gồm cả những khía cạnh khác của vấn đề nhập cư, như quy chế của những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (Dreamers), hay chính sách đối với những người nhập cư hợp pháp.

Về phía đảng Dân chủ, đảng này cũng từng nói sẽ không ủng hộ dự thảo luật do đảng Cộng hòa đề xuất và ngay cả khi vượt qua được cửa Hạ viện, văn kiện cũng chắc chắn sẽ gặp những rào cản không hề nhỏ tại Thượng viện, nơi thế đa số của đảng Cộng hòa là khá mong manh, 51 so với 49./.