muc giai dap phap luat the nao la thua phat lai da ps
Mục Giải đáp pháp luật: Thế nào là Thừa phát lại?

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, thừa phát lại được thực hiện các công việc sau:

- Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.

- Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

- Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

- Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Để trở thành thừa phát lại, cá nhân phải đảm bảo đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như sau:

- Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt;

- Không có tiền án;

- Có bằng cử nhân luật;

- Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; Chấp hành viên, Công chứng viên, Điều tra viên từ Trung cấp trở lên;

- Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức;

- Không kiêm nhiệm hành nghề Công chứng, Luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ xin bổ nhiệm làm Thừa phát lại được nộp tại Sở Tư pháp, bao gồm:

1. Đơn xin bổ nhiệm làm Thừa phát lại;

2. Giấy chứng nhận sức khỏe; lý lịch cá nhân và phiếu lý lịch tư pháp;

3. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ cần thiết khác.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ.

Người được bổ nhiệm làm Thừa phát sẽ lại được Bộ Tư pháp cấp thẻ Thừa phát lại./.