Theo giới quan sát, cuộc biểu tình lớn nổ ra từ ngày 31/12/2017 ở Iran diễn biến với nhiều tình tiết gần giống như cuộc khủng hoảng ở Libya, Syria và Ukraine trước đây… khiến dư luận lo ngại về một cuộc phong trào kiểu “Mùa xuân Arab” lại tái diễn ở đây.

mua xuan arab kho lan sang iran
Biểu tình ở Iran vào tháng 12/2017. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, ngày 3/1/2018, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố, làn sóng bất ổn diễn ra tại Iran trong vài ngày qua đã kết thúc. Tư lệnh Lục quân Iran, Tướng Abdolrahim Mousavi cũng khẳng định cảnh sát nước này đã ổn định tình hình sau các vụ biểu tình bạo loạn chống chính phủ khiến 21 người thiệt mạng.

Nguyên nhân kinh tế

Theo giới quan sát, những người xuống đường chủ yếu là do bất mãn trước nền kinh tế lên xuống thất thường, lạm phát, thất nghiệp, tham nhũng và các lệnh trừng phạt quốc tế đã làm cho hệ thống tài chính nước này thiếu minh bạch, có lợi cho giới thượng lưu, trong khi những người nghèo khó càng nghèo hơn sau mỗi năm, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao…

Tỷ lệ thất nghiệp của nước này hiện ở mức 12,4%, lạm phát gần 10%, nền kinh tế của Iran đã hồi phục đáng kể sau khi Mỹ và phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt vào hồi tháng 1/2016. Mới đây IMF đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Iran ở mức 4,2% trong năm 2018, sau khi tăng trưởng 7% vào năm ngoái 2017.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, người Iran kỳ vọng cuộc sống của họ sẽ được cải thiện nhiều hơn sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân với 6 nước và các lệnh trừng phạt được tháo dỡ. Các rào cản về tài chính, năng lượng và vận tải đã được tháo dỡ, nhưng hàng trăm tài sản của Iran vẫn bị phong tỏa.

Điều tra của BBC cho thấy nếu tính trung bình, người Iran nghèo đi khoảng 15% trong 10 năm qua. Số tiền chi tiêu vào bánh mì, sữa và thịt đỏ đã giảm từ 30-50%. Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc là 12,4% nhưng con số ở một vài khu vực vẫn là 60%.

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 được công chúng ủng hộ nhiệt liệt, bởi họ kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế rõ rệt hơn khi có sự xóa bỏ cấm vận của quốc tế, nhưng mới đây Mỹ lại áp đặt thêm lệnh trừng phạt mới với Iran sau vụ phóng tên lửa vào mùa hè năm 2017.

Người biểu tình ở Iran cũng hô vang khẩu hiệu phản đối chính sách đối ngoại của Teheran và đặt câu hỏi, tại sao Chính phủ sử dụng tiền vào Iraq, Syria và Lebanon mà không đầu tư cho đất nước?

Reza Marashi, Giám đốc Nghiên cứu tại Hội đồng Quốc gia Mỹ - Iran, nhận định: “Tôi không nghĩ chúng ta có thể tách bạch kinh tế và chính trị”.

Ông Marashi nói: Gốc rễ của cuộc biểu tình hiện tại là nhiều năm bất mãn về kinh tế, chính trị và xã hội trong người dân. “Các lệnh trừng phạt kinh tế đã làm trầm trọng thêm những vấn đề kinh tế có gốc rễ từ trong nước”.

Tổng thống Hassan Rouhani đã cố gắng xoa dịu căng thẳng, khi ông nói rằng: “sự việc chưa có gì cả” và khẳng định quyền của người dân được chỉ trích chính phủ và biểu tình. Trong khi đó, lãnh đạo tối cao Ali Khamenei tuyên bố đây là hành động gây bất ổn do các “kẻ thù” của Iran đứng sau thao túng. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của cuộc biểu tình lần này phức tạp hơn nhiều, nhưng nguyên nhân kinh tế, đời sống vẫn là chủ yếu.

Kích động từ bên ngoài

Ngày 4/1/2018, Tổng Công tố Iran Mohammad Jafar Montazeri đã trực tiếp cáo buộc CIA kích động các cuộc biểu tình kéo dài một tuần qua nhằm kêu gọi lật đổ nước Cộng hòa Hồi giáo này. Theo ông, CIA đã tìm cách câu kết với các nhóm người Iran lưu vong và chuẩn bị nhiều kịch bản trong đó có biểu tình. Âm mưu này nhằm kích động những đối tượng bất đồng chính kiến từ trong nước để gây rối loạn.

Ông Montazeri cho rằng, kế hoạch của CIA là nhằm biến biểu tình thành cuộc nổi dậy “có vũ trang” vào giữa tháng 2, nhân dịp kỷ niệm cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Trước đó, Đại sứ Iran tại LHQ Gholamali Khoshroo cũng cáo buộc Washington can thiệp vào vấn đề nội bộ Iran. Trong một lá thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Đại sứ Khoshroo cho rằng Mỹ đã “tăng cường những hành động can thiệp vào vấn đề nội bộ Iran dưới lý do hỗ trợ một số cuộc biểu tình nhỏ lẻ”, tạo điều kiện để những kẻ chống phá lợi dụng tình hình.

Trang mạng Presstv.com ngày 3/1 cũng dẫn nhận định của Stephen Lendmand, nhà phân tích chính trị tại Chicago (Mỹ) đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách, cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự can thiệp rõ ràng của phương Tây trong nhiều hành động bạo lực tại Iran.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố nước này coi đề nghị của Mỹ tổ chức cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ để bàn tình hình tại Iran là “gây hại và mang tính phá hoại”, việc Washington áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các công ty Iran là “không thích đáng”. Theo ông, Mỹ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Iran.

Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Leonid Slutsky cho rằng, việc Mỹ kêu gọi xem xét lại Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran tiềm ẩn nhiều hậu quả khôn lường đối với ổn định và an ninh thế giới.

Các nước châu Âu đã bác bỏ nỗ lực của Mỹ lấy cuộc biểu tình làm cớ để buộc sửa đổi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Đại diện Iran và Nga nói rằng Mỹ đã lạm dụng quyền lực của thành viên thường trực HĐBA khi triệu tập cuộc họp để thảo luận về Iran.

Khó có kịch bản “Mùa xuân Arab”

Nic Robertson, biên tập viên ngoại giao quốc tế của CNN, nhận định: Trong khi cuộc biểu tình năm 2009 chủ yếu xảy ra ở Tehran, cuộc biểu tình lần này diễn ra tại nhiều thành phố trên khắp nước, bao gồm cả những khu vực vốn là “căn cứ” của chính phủ. Đây là sự thách thức đối với quyền lực của lãnh đạo tối cao Iran.

Theo giới phân tích, mặc dù cuộc biểu tình đã có màu sắc chính trị như đòi lật đổ chính quyền nhưng những người biểu tình Iran kể cả phe đối lập cũng không muốn đất nước mình lại rơi vào thảm cảnh như Yemen, Libya hay Syria…

Mặt khác phải kể đến nhiều nước châu Âu thành viên NATO đã không muốn tình hình Iran xấu thêm dẫn đến sự đổ vỡ của JCPOA. Pháp còn coi thỏa thuận hạt nhân là “hòn đá tảng” cho sự ổn định ở Trung Đông.

Tổng thống Pháp còn nói: “Dẫu cho những diễn biến đáng lo ngại tại Iran trong vài ngày qua, chúng không phải là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới”. Còn đại diện của Anh cũng nói rằng, Anh hoàn toàn cam kết với thỏa thuận hạt nhân và “kêu gọi tất cả các nước thành viên giữ vững cam kết của mình”.

Như vậy, về hình thức cuộc biểu tình chống chính phủ ở Iran có vẻ như sắp lắp lại kịch bản “Mùa xuân Arab”. Tuy nhiên, nhiều yếu tố cho thấy không thể xảy ra kịch bản nêu trên, nhất là sự phân hóa trong nội bộ phương Tây và đặc biết là vai trò của mạng xã hội đã không còn khả năng kích động bạo lực mạnh như trước đây./.