Trong tuần đầu năm mới, tại các lễ hội truyền thống đã không xuất hiện những hình ảnh phản cảm như: Chen lấn, giẫm đạp, bạo lực khi tranh cướp lộc, đốt vàng mã hương khói ngập tràn…

Tuần đầu bình yên

Một tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, người dân cả nước nô nức đón chào mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Tại những lễ hội thường xuyên xảy ra hiện tượng tranh cướp lộc như Lễ hội Gióng tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Lễ hội Cổ Loa tại đền thờ An Dương Vương (xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) hay đặc biệt Hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), Hội chùa Yên Tử (Quảng Ninh) đã đón lượng khách tăng đột biến với hàng chục vạn người trẩy hội, nhưng nhìn chung, các lễ hội đã diễn ra văn minh, nghiêm túc, không có hiện tượng phản cảm.

mua le hoi xuan tuan dau binh yen
Động Hương Tích đông nghịt ngày khai hội Chùa Hương.

Đông nhất là Lễ hội Yên Tử, chỉ trong 5 ngày từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, khu di tích Quốc gia Yên Tử đã đón trên 9,7 vạn lượt khách đến tham quan, vãn cảnh. Trong đó, có ngày cao điểm lên tới hơn 40.000 lượt khách.

Còn tại lễ hội chùa Hương, theo thông tin từ Ban tổ chức, tính đến hết ngày 7/2/2019, chùa Hương đã đón gần 80.000 lượt khách về trẩy hội, du xuân, trong đó lượng khách qua quản lý vé là gần 50.000 người. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2018, số lượng khách đã tăng lên hơn 5.300 người. Năm nay, Ban tổ chức lễ hội vẫn duy trì việc miễn phí vé thắng cảnh (giá vé thắng cảnh 80.000 đồng/người) trong 3 ngày: 30, mùng 1, mùng 2 Tết nên lượng khách tăng đáng kể. Đặc biệt, chỉ tính riêng ngày mùng 3 Tết, chùa Hương đã đón 48.500 lượt khách.

Từ ngày 8-10/2 (tức ngày 4-6 tháng Giêng) là ngày khai hội của rất nhiều lễ hội như hội chùa Hương (Mỹ Đức), hội đền Sóc, hội đền Cổ Loa, hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội), hội vật cầu Thúy Lính… vốn là những lễ hội thường xuyên xảy ra hiện tượng phản cảm, chen lấn, bạo lực khi tranh cướp lộc… Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, trong dịp lễ hội năm 2019 đều diễn ra bình yên, trật tự và đậm đà truyền thống. Hiện tượng xuồng máy chạy “vô tư” trên suối Yến (chùa Hương) như những ngày trước khai hội đã được xử lý. Các chủ đò chở khách được tuyên truyền về ứng xử văn minh, không còn hiện tượng “nhồi khách”, ép giá... Nhờ vậy, du khách có tâm trạng khá thoải mái trong ngày khai hội. Ở một số lễ hội khác như Lễ hội Cổ Loa, Lễ hội đền Hai Bà Trưng, việc tổ chức nghi thức hành lễ giúp người dân và du khách hiểu hơn về giá trị văn hóa tín ngưỡng, truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của ông cha. Các nghi thức không chỉ được những bô lão giữ gìn mà còn đang được truyền lại cho lớp thanh niên, con cháu trong làng.

Tăng cường tuyên truyền, quản lý

Đã nhiều năm, mặc dù các cơ quan quản lý luôn tuyên truyền về văn minh lễ hội, nhưng cứ đến “mùa lễ hội”, đền chùa lại nghi ngút khói hương, đốt cắm tùy tiện, ngột ngạt và nguy hiểm… Ngoài ra, vấn nạn rác thải, đốt vàng mã bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, làm xấu cảnh quan xung quanh khu vực lễ hội cũng thường trực khắp nơi. Những hiện tượng chen lấn, bạo lực, tranh cướp lộc vẫn tái diễn gây ảnh hưởng xấu đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Để khắc phục những tình trạng này, tại nhiều lễ hội đã và đang diễn ra trong những ngày đầu năm Kỷ Hợi 2019, công tác quản lý lễ hội đã được các địa phương triển khai với nhiều biện pháp đồng bộ, chặt chẽ và bước đầu thu được kết quả đáng mừng.

Theo ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương, trước khi lễ hội diễn ra, Ban tổ chức đã tăng cường tuyên truyền để các chủ đò hiểu về sự cần thiết thực hành ứng xử văn minh khi giao tiếp với du khách, yêu cầu các chủ đò phải có phao cứu sinh, giỏ đựng rác. Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã bố trí lực lượng bảo vệ trên toàn tuyến tham quan nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, nhắc nhở du khách bỏ rác đúng nơi quy định…

Nói về công tác tổ chức Lễ hội Gióng ở đền Sóc năm 2019, ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn cho biết, thành công trong công tác tổ chức lễ khai hội có được là nhờ sự đồng thuận của chính quyền địa phương và nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở xã Vệ Linh đã cùng nhất trí việc thay đổi hình thức tán lộc. Hơn nữa, nhờ nỗ lực tổ chức tuyên truyền về quy tắc ứng xử văn minh trong không gian lễ hội, người dân và du khách dự hội dần hình thành nếp ứng xử văn hóa, biết nhường nhịn, xếp hàng, thay vì chen lấn, xô đẩy.

Tôn trọng tự do tín ngưỡng, thế nhưng cũng cần phải đề cao tính kỷ luật, thượng tôn pháp luật. Mục đích của việc đi lễ hội đầu xuân có lẽ không ai giống ai nhưng chắc chắn mọi người đều mong ước năm mới được bình an, thanh thản, sức khỏe và may mắn.

Khi mà các vấn đề nêu trên được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đúng mức, người dân đồng thuận hưởng ứng và chấp hành nghiêm túc thì chắc chắn lễ hội sẽ trở thành những ngày hội vui thực sự văn hóa, đúng với phong tục các vùng miền trên cả nước, đúng với nghi lễ truyền thống nguyên bản tồn tại nhiều năm qua./.