Mô hình TTHC tỉnh Nghệ An (Ảnh: tư liệu)


Mới đây, Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản thông tin về dự án TTHC của tỉnh, được xây trên diện tích 37 ha. Kinh phí đầu tư cho TTHC này lên đến 3.087 tỉ đồng.

Tháng 10/2015, UBND tỉnh Nghệ An và hội đồng chuyên môn đã chọn phương án thiết kế xây dựng TTHC tập trung, gồm hai tòa tháp cao 27 tầng, đủ chỗ làm việc cho 1.700 người. Ngoài khối tháp đôi, công trình còn nhiều hạng mục như: Khối tiếp dân, hành chính văn phòng, hội trường, cây xanh, mặt nước... với tổng khái toán dự kiến là 2.178 tỷ đồng.

Trong khi đó, UBND tỉnh Hải Dương cũng vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng khu TTHC tỉnh. Dự án có tổng diện tích đất quy hoạch 18,7294 ha, tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng. Đây sẽ là trụ sở làm việc tập trung của 19 cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền của tỉnh này.

Việc các tỉnh, thành trong cả nước đồng loạt đề xuất các phương án xây mới TTHC trong thời gian gần đây đang trở thành một “hiện tượng” thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều đáng chú ý, “hiện tượng” này xảy ra trong hoàn cảnh hết sức “nhạy cảm”, khi Chính phủ mới công bố về tình trạng nợ công đang có chiều hướng “tăng nhanh”.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận xét: “Cần xem xét mô hình xây dựng trụ sở tập trung như một số địa phương có hiệu quả hay không. Thêm nữa, về vấn đề ngân sách, dù ngân sách địa phương hay trung ương, thì cũng là của dân mà thôi. Trong khi đó, quyết định xây hay không xây thì không phải của dân mà là của “quan”. Trong bối cảnh nợ công cao như hiện nay, kể cả nợ công địa phương cũng không nhỏ thì càng đòi hỏi phải thận trọng trong chi tiêu công. Cần thấy là trong hoàn cảnh tài chính như hiện nay, phải tìm ra mọi cách để tạo nguồn thu, phải thắt lưng buộc bụng chứ không thể mang đến thêm phiền nhiễu và gánh nặng cho người dân".

Cũng về vấn đề trên, ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết: “ Nợ công của chúng ta đang cao. Đến cuối năm 2015, nợ công đã lên tới 61,3% GDP, dự kiến cuối năm 2016 tăng lên 63,2% GDP, ngấp nghé với trần cho phép là 65% GDP. Theo tôi, việc đầu tư xây dựng TTHC phải cân nhắc thời điểm nào, quy mô nào cho phù hợp. Tôi đề nghị trong bối cảnh hiện nay, cần phải cân nhắc, rà soát các danh mục đầu tư, quyết định đầu tư một cách hợp lý, phù hợp. Không nên đầu tư những cái chưa cần thiết mà ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia, tăng nợ công của đất nước”.

Trước tình trạng trên, ngày 17/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng TTHC tập trung.

Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện việc đầu tư xây dựng TTHC tập trung tại các địa phương trong thời gian qua và đề xuất giải pháp phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự hoan nghênh của rất nhiều người dân và các đại biểu Quốc hội.

Trao đổi với báo giới, ĐBQH Nguyễn Thị Khá - Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng: "Đây là một quyết định hợp lý của Thủ tướng trong thời điểm hiện tại, khi nguồn ngân sách nhà nước đang khó khăn và còn nhiều việc cần dùng đến ngân sách hơn là xây trụ sở. Theo dư luận, Thủ tướng đã có một quyết định rất kịp thời!"./.

Theo Báo điện tử ĐCSVN