mot ngay o vung che hong thai
Giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các nghệ sĩ Malaysia và Việt Nam tại vùng chè Tân Cương.

Ông Phạm Hồng Phong, Trưởng xóm Hồng Thái tự hào nói: Nông dân nơi đây từng nhiều đời gắn bó với cây chè. Kể từ năm 2011, sau Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ nhất, vùng đất Hồng Thái càng trở nên sống động hơn, bởi ngoài công việc thu hái, chế biến chè, nông dân trong vùng còn tham gia các hoạt động hướng dẫn, phục vụ du khách đến tham quan.

Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết: Những năm gần đây, Hồng Thái đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước, quốc tế… Gặp chúng tôi trên nương chè, ông Bùi Trọng Đại, một người dân trong xóm tự tin nói: Người dân Hồng Thái đã quen với việc đón đưa du khách lên đồi tham gia hái chè, chụp ảnh. Họ hứng thú khi dùng móng tay cấu búp chè, cho vào miệng nhấm nháp cái vị chát đắng, ngọt hậu và hỏi rất nhiều về công việc của nông dân.

Người dân ở Hồng Thái được tiếng khéo tay, làm chè giỏi và có tinh thần khoáng đạt. Bà con tham gia làm du lịch nhưng không câu nệ chuyện lờ lãi khi nhà có khách đến thăm. Nhớ độ trung tuần tháng 12-2016, đang tiết trời Đông, cả vùng chè Tân Cương chợt tràn ngập nắng ấm, các hộ tham gia làm du lịch ở đây phấn chấn: “Ơn giời” cho cơ hội tốt để du khách về thăm thú, trải nghiệm tại đây mà không bị lấm bẩn.

Trong khuôn viên ẩm thực của Công ty cổ phần Trà Tân An, ông Nguyễn Thanh Dương, Phó Giám đốc Công ty đang tất bật giục nhân viên chuẩn bị trà, nước, hoa tươi và kẹo lạc bày sẵn ra bàn đợi khách. Thấy chúng tôi tò mò, ông cho biết: Hôm nay Công ty có khách từ Indonesia và Malaysia đến tham quan, trải nghiệm. Đoàn khách có gần 40 người, họ đặt lịch từ gần mươi hôm trước.

Chợt ngoài ngõ, tiếng người cười nói rổn rảng, chúng tôi nhìn ra thấy Công chúa Azizah Iskandar, bang Terengganu (Malaysia); bà Venny Afwany Allamsyah, du khách Indonesia cùng các thành viên trong đoàn vừa đi vừa ngắm cảnh vật thiên nhiên. Lần đầu gặp nhau, chủ khách như đã thân quen, tay bắt, miệng chào rồi kéo nhau vào bàn trà. Ai nấy hả hê, thân thiện, vừa thưởng trà, vừa ca hát, tay cầm tay dắt nhau lên đồi để xin làm nông dân. Ông Lê Quang Nghìn, một nông dân tham gia làm du lịch tâm huyết: Nông dân Hồng Thái không những làm chè giỏi, mà còn làm du lịch giỏi.

Trên đồi chè, chủ khách tíu tít trò chuyện bằng tiếng Anh và bằng… ngôn ngữ cử chỉ. Bận rộn nhất là mấy anh chị làm phiên dịch cho đoàn, phải liên tục băng qua các lõng chè để giải thích một điều gì đó cho người thắc mắc. Ông Dương cho biết thêm: Công ty chúng tôi mới tham gia làm thêm mảng du lịch từ năm 2015, song chúng tôi đã đón khá nhiều du khách quốc tế đến từ các nước: Nhật Bản, New Zealand, Áo... Họ rất thích chúng tôi dạy nói tiếng Việt; thích đi hái chè, lội ao bắt cá, lên đồi đuổi gà… rồi cùng vào bếp nấu ăn.

Để thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm của du khách, các hộ tham gia làm du lịch ở Hồng Thái luôn có sự phối hợp, cùng làm. Không cạnh tranh, không chèo kéo, mà hỗ trợ nhau trong phục vụ du khách. Ông Trần Văn Thái, một nông dân làm chè có uy tín cho biết: Công việc chính của chúng tôi là làm chè, nhưng khi có du khách, chúng tôi luôn rộng lòng đón tiếp. Với những đoàn có nhiều người, chúng tôi giúp nhau hướng dẫn cho du khách cách hái chè, xao chè, nấu ăn và giới thiệu về nghệ thuật ẩm trà.

Trước lúc đến vùng chè này, chúng tôi ghé thăm “Không gian văn hóa trà Tân Cương”, được nghe “thuyết trình viên” khái quát về lai lịch của cây chè trên vùng đất “Đệ nhất danh trà”. Nhìn những thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia, củi lửa… và nghe giới thiệu của nữ “thuyết trình viên”, thì phụ nữ vùng chè Tân Cương chắc chắn phải là những mỹ nhân đẹp người, đẹp nết và có “công phu tuyệt đỉnh”. Vì trong khi chế biến chè, họ phải liên tục vục đôi tay của mình vào chảo nóng, giống như các võ sư ở chùa Thiếu Lâm Tự trên phim ảnh Trung Quốc đang luyện món “Chảo công”. Vậy mà trên dọc đường qua các lô chè Tân Cương về Hồng Thái, chúng tôi gặp những phụ nữ dùng khăn khéo léo che kín mặt, trông giống người theo Đạo hồi, nhưng vẫn nhận ra nét duyên nền nã từ ánh mắt thanh tú, và tiếng cười, nói trong như ngọc, cái hồn cốt làm nên vẻ đẹp của người xứ trà.

Ông Lê Văn Toán, một nông dân tham gia làm du lịch ở Hồng Thái chia sẻ: Đến đây, gặp cảnh, thấy người, du khách trong nước và quốc tế đều xin được làm nông dân hái chè. Họ rất thích được trải nghiệm cùng nông dân… Cơ chế thị trường đã làm nên những nông dân năng động. Nên dù nguồn thu từ làm du lịch chưa đáng kể, nhưng nông dân vùng chè Hồng Thái đã biết đầu tư cho việc xây dựng nương chè đẹp; thiết kế chiếc chảo gang cách điệu sử dụng nhiệt từ nguồn điện thay bằng đun củi; tự học tiếng Anh và kỹ năng tiếp thị. Cách làm du lịch thuần hậu, chân quê tạo sự gẫn gũi giữa khách và chủ, trong một lần về Hồng Thái tham quan, ông Rafiji Sharif, Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam đã nói: Được đến đây tôi mới biết, nông dân Hồng Thái, Tân Cương không hổ danh là “Đệ nhất danh trà”. Thứ ẩm thực họ làm từ ngọn lá là cả một nghệ thuật, một khoa học được đúc kết lại từ ngàn đời. Vừa nói, ông vừa mê mải ngồi xao chè như một nông dân vùng chè thực thụ.

Là một trong những người đầu tiên ở tỉnh Thái Nguyên làm du lịch, ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đã nói ví von: Hồng Thái, Tân Cương giống như một sơn nữ xinh đẹp vừa thức dậy. Tuy chưa hết ngái ngủ, nhưng lại mang một vẻ đẹp hồn nhiên hoang sơ của miền sơn dã, giống như người con gái trong câu chuyện tình huyền thoại nàng Công, chàng Cốc. Nhiều du khách theo tuor về Tân Cương, thăm vùng chè Hồng Thái đã tâm đắc: Chẳng cần tô vẽ, Hồng Thái đã nghiễm nhiên là đệ nhất danh trà của “thủ phủ trà Tân Cương” rồi.

Chẳng thế, ngay từ Festival Trà Thái Nguyên lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2011, Ban tổ chức đã lựa chọn vùng đất Hồng Thái làm điểm trải nghiệm cho các người đẹp (một phần của Cuộc thi Người đẹp xứ Trà). Kể từ đó, vùng đất Hồng Thái có nhiều hơn những cơ hội quảng bá sản phẩm. Về Hồng Thái, du khách được thả mình vào lòng mẹ thiên nhiên, thong dong bước trên từng đồi chè tròn trịa hình bát úp, thỏa sức hà hít không khí trong lành, ngắm nhìn từng nét cắt phân định các lô chè, hàng chè rồi bất chợt nhận ra ở đây, một sức sống mãnh liệt của loài cây quý được người nông dân tần tảo trồng, bón, thu hái về sao sấy thành món ẩm thực xưa kia chỉ dành cho người quyền quý hoặc bậc vua, chúa thưởng thức.

Lúc mặt trời “nghỉ ngơi” ở mạn núi Tam Đảo, cả vùng chè Hồng Thái nhuộm tím ánh hoàng hôn, nhiều du khách còn vấn vương, gắng chụp thêm vài kiểu ảnh “lên phây” chia sẻ với bạn bè. Lại quây quần bên bàn trà, nhâm nhi thứ nước ấm nóng, sóng sánh xanh, trên miệng chén còn phủ làn khói mỏng tang, mang hương nồng ngậy thơm của đất, trời thoảng khẽ một kích thích vào tì vị. Và hứng thứ dùng bữa cùng nông dân, với các món cá hấp, gà chiên, thịt xiên nướng… được tẩm ướp gia vị trà. Những cảm hứng khám phá mới lạ đưa du khách từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, để khi chia tay, ai nấy nuối nhớ, hẹn ngày trở lại với nông dân vùng chè Hồng Thái./.