Khu vực Suối Đá thuộc xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam là điểm nóng của tình trạng khai thác vàng, lâm sản trái phép. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều đợt truy quét nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Từ trung tâm xã Tư, con đường độc đạo ngoằn ngoèo, lởm chởm đất đá và dốc dài gần 20 km, ngược về hướng Tây dẫn đến khu vực Suối Đá. Càng vào sâu, đường càng nhỏ hẹp, lại bị cày xới nham nhở bởi những chuyến xe tải, xe xúc vận chuyển hàng hoá và gỗ lậu. Tận cùng con đường có 10 hộ dân đa phần ở xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng lên lập nhà, kinh doanh buôn bán và chăn nuôi bò, heo, dê... đã trên dưới 20 năm. Dù không có giấy phép làm nhà, hầu hết đều được công an xã Tư cấp giấy phép đăng ký tạm trú.

Nhà của ông Tam (có xe xúc, xe tải) cùng hai nhà khác trong diện cưỡng chế đến nay vẫn không bị động chạm đến

Ở nơi gần như không có dân cư, ai cũng biết 10 hộ dân ở đây sinh sống bằng việc kinh doanh buôn bán, phục vụ các đối tượng khai thác vàng và lâm sản trái phép. Cưỡng chế, giải toả số hộ này nhằm cắt đứt việc tiếp tế lương thực, thực phẩm và hàng hoá cho các đối tượng khai thác vàng và lâm sản trái phép là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng khiến tình hình thêm phức tạp và tạo dư luận không tốt trong người dân địa phương.

Ngày 15/5/2009 là hạn chót mà 10 hộ dân nói trên phải tự tháo dỡ nhà cửa, hàng quán. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân đấy chỉ là thông tin miệng, không ai nhận được thông báo. Lực lượng tham gia cưỡng chế gồm công an xã, xã đội và 4 công an huyện. Không đọc lệnh, không lập biên bản kê biên tài sản, sau 15 phút thông báo cho chủ nhà, lực lượng cưỡng chế thi hành nhiệm vụ dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Bưng, Trưởng Công an xã Tư.

Ông Nguyễn Đẩu, một hộ dân kinh doanh ở đây kể: “Mấy ông công an vào nhà chụp mấy can dầu diezel đổ hết lên các bao gạo, đậu phụng, đậu xanh, mì tôm và mọi thứ... Khi hai vợ chồng tôi van xin cho chuyển đồ ra ngoài, họ còng cả hai lại đưa ra chuồng trâu, xích lại. Khi lửa cháy to rồi, vợ chồng tôi xin vào nhà lấy 4 chỉ vàng, 8 triệu tiền mặt bỏ quên trong gối họ không cho, giấy tờ xe và mọi thứ tôi để trong ví ở túi quần cũng bị cháy sạch. Trong nhà tôi lúc đó, những thứ giá trị như 3 cái máy nổ, một cái tẹc điện, máy bơm nước, hơn 2 phi dầu diezeel được chia ra 18 can, mỗi can 30 lít đều cháy hết. Tổng thiệt hại khoảng trên 120 triệu đồng, tính kỹ ra thì còn hơn. Nói chung là trong nhà chẳng còn gì nữa, khi nhà cháy xong, cởi còng ra thì trên người vợ chồng tôi chỉ còn mỗi bộ quần áo cụt”.

Trong khi đó, 7 nhà khác bị lực lượng cưỡng chế như thế này (Máy phát điện, máy bơm, máy bơm nước, ti vi, dàn karaoke) bị đập nát và cháy thành sắt vụn

Còn bà Đặng Thị Liên, một hộ kinh doanh khác cho biết: “Trước khi đốt không lập biên bản gì hết. Mấy ông vào nhà em, kêu mở cửa, xông vào buồng rồi đốt. Những thứ của nhà em như: xăng nhớt, xoong nồi họ bỏ lên xe, cũng không biết họ chở đi đâu”.

Trong gần một buổi sáng, lực lượng thi hành cưỡng chế đã hoàn thành đốt xong 7 nhà rồi rút đi. Nhiều tài sản có giá trị không được lực lượng thi hành nhiệm vụ lập biên bản, kê biên mà thẳng tay đập phá và đốt. Máy phát điện, máy bơm, ti vi, dàn karaoke... bị đập nát, cháy thành sắt vụn. Thậm chí đàn heo nhà ông Nguyễn Đẩu nhốt trong chuồng cũng bị cháy sém, loang lổ. Điều kỳ lạ là, trước sự chứng kiến của nhiều người, ông Nguyễn Bưng, Trưởng Công an xã Tư đã rút tiền ra gọi là “giúp đỡ” một số gia đình bị thiệt hại nặng khiến nhiều người thắc mắc không biết số tiền này được trích từ nguồn nào.

Bà Thi Thị Thuỷ ở cạnh nhà ông Nguyễn Đẩu xác nhận: “Nhà tôi bị đốt, cháy dữ quá phải chạy ra ngoài, tôi thấy vợ chồng ông Đẩu bị còng ở ngoài chuồng trâu, ở đó có rất nhiều công an. Khi nhà tôi cháy gần xong rồi, tôi thấy ông Bưng, trưởng Công an xã rút ra một triệu đồng đưa cho bà Lý nói nhà bà bị thiệt hại nhiều nên đoàn chúng tôi ủng hộ một triệu. Bà Lý, vợ ông Đẩu không nhận, họ đưa cho ông Đẩu, ông Đẩu nhận!” .

Ông Nguyễn Bằng, Bí thư Huyện uỷ Đông Giang cho biết: Huyện sẽ tiến hành kiểm tra lại vụ việc này. Quan điểm của lãnh đạo huyện là: Dân sai đến đâu, xử lý đến đấy. Nếu cán bộ sai phạm cũng bị kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật nghiêm minh.

Trong khi đó, theo thông tin phóng viên VOV mới nhận được: Dù sự việc xảy ra cách đây gần 2 tháng, cách đây mấy ngày biên bản cưỡng chế mới được lập!

Trong khi đó, điều khiến nhiều người bất bình là không hiểu vì sao trong số 10 nhà diện phải cưỡng chế, lực lượng thi hành cưỡng chế đã chừa lại 3 nhà không đụng đến. Đó là nhà ông Tuấn, bà Hồng và ông Tam. Mới đây, khi chúng tôi đến hiện trường, những nhà này vẫn còn nguyên vẹn và kinh doanh, buôn bán bình thường. Trong nhà thấy có một số cán bộ trong trang phục kiểm lâm ra vào ăn uống, nhậu nhẹt. Trước nhà ông Tam, hai máy xúc loại lớn và một xe tải chuyên dùng để khai thác vàng và vận chuyển hàng hoá vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi lực lượng thi hành cuỡng chế rút đi, tất cả số gia đình có nhà bị đốt đều đã dựng lại nhà, dù là nhà tạm. Theo phản ánh của bà con thì từ hơn một tháng nay, không thấy có cán bộ, công an liên ngành nào đến kiểm tra.

Bà Đinh Thị Tâm, một hộ vừa dựng lại nhà ở đây nói: “Mình ở như thế này cũng là bất hợp pháp, họ đuổi mình về là đúng chứ không ai nói là họ sai. Nhưng mà trước khi họ đuổi mình, họ đưa giấy báo hoặc trước khi đốt nhà mình họ đưa giấy tờ, lập biên bản bà con mới thấy là đúng và thoả mãn. Đằng này họ đốt hết. Tài sản trong nhà mười mấy năm trời có chừng ấy là chính, chớ dưới quê có cái chi? Nhà nước biểu thì mình phải nghe, cái ni là đúng rồi, phải chấp hành. Nhưng mà giờ nợ nần, có gì họ đốt hết rồi, đâu dám về dưới đó. Về thì bạn hàng họ đòi nợ!”.

Toàn bộ số nhà bị cưỡng chế đã dựng lại nhà tạm trên nhà cũ nhưng đâu vẫn hoàn đấy

Chúng tôi đến trụ sở UBND xã Tư, huyện Đông Giang để làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương. Buổi chiều, tất cả phòng ban UBND xã đóng cửa im ỉm. 15 giờ, tìm đến tận nhà ông Nguyễn Văn Phải, Chủ tịch UBND xã, ông vừa ngủ trưa dậy. Khi nghe đặt vấn đề nội dung làm việc, ông từ chối và hẹn phải đăng ký nội dung trước để Uỷ ban sắp xếp và bố trí khi khác tiếp, bởi Uỷ ban Nhân dân xã chỉ làm việc buổi sáng, buổi chiều cán bộ uỷ ban phải làm việc nhà. Hỏi số máy ông Trưởng Công an Xã Nguyễn Bưng, ông Chủ tịch Nguyễn Phải cũng từ chối cung cấp. Khi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Đông Giang, chúng tôi được biết, báo cáo của ngành chức năng huyện dường như chưa cụ thể nên lãnh đạo huyện tỏ ra khá ngạc nhiên trước những thông tin chúng tôi nêu ra và cho biết sẽ tổ chức kiểm tra lại.

Đến nay, sau hơn một tháng kể từ ngày tiến hành cưỡng chế các hộ kinh doanh trái phép ở khu vực Suối Đá, xã Tư, huyện Đông Giang, mọi việc đâu vẫn hoàn đấy, chứng tỏ Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Đông Giang không được thực thi có hiệu quả. Dư luận người dân địa phương đang rất bất bình.Trong khi đó, tình trạng khai thác vàng và lâm sản trái phép ở khu vực xã Tư, huyện Đông Giang vẫn tiếp tục diễn ra với mức độ ngày càng tinh vi hơn. Thiết nghĩ, chính quyền huyện Đông Giang cần có sự kiểm tra, thanh tra và giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh sau vụ cưỡng chế thiếu tính thuyết phục nói trên./.

Bài và ảnh: Thanh Hằng - Huỳnh Anh (VOV tại miền Trung)