Quá trình hình thành và phát triển của MTTQ Việt nam Tỉnh Thái Nguyên gắn liền với sự hình thành, phát triển của Mặt trận Việt Minh - Tổ chức đầu tiền của MTTQ Việt Nam.

Quá trình hình thành và phát triển của Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ) Việt nam Tỉnh Thái Nguyên gắn liền với sự hình thành, phát triển của Mặt trận Việt Minh - Tổ chức đầu tiền của MTTQ Việt Nam. Tháng 8 năm 1941 tại huyện Võ Nhai đồng chí Hoàng Quốc Việt đã phổ biến chương trình, điều lệ Việt Minh cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ cứu quốc và tự vệ các xã huyện Võ Nhai với việc ổn định tư tưởng, đồng bào giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu cách mạng.

Từ năm 1941 đến tháng 8 năm 1945, Mặt trận Việt Minh trong tỉnh đã góp phần quan trọng trong cuộc tổng khởi nghĩa giải phóng dân tộc. Trong giai đoạn chính quyền non trẻ (1945- 1954), với thù trong giặc ngoài và quá trình phát triển, thống nhất lực lượng thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1955 Mặt trận Liên Việt đổi tên thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) trong tỉnh đã từng bước trưởng thành, góp phần ngày càng mở rộng khối đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp giải phóng quê hương và xây dựng hậu phương kháng chiến, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Từ đây Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tỉnh đi vào bước phát triển mới.

+ Tỉnh Thái Nguyên tiến hành Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 12 năm 1955, (1955-1959)
Đại hội đã bầu ra Ban lãnh đạo gồm 23 vị đại diện cho các giới, các dân tộc, các tôn giáo trong tỉnh. Ông Bùi Chí Tâm được bầu làm Chủ tịch.

+ Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên (1959 -1961).
Tham dự Đại hội có gần 200 đại biểu, đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân trong tỉnh tham dự. Đại hội đã bầu ra 35 vị uỷ viên. Ông Bùi Chí Tâm được bầu làm Chủ tịch.

+ Đại Hội lần thứ III Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên (1961- 1964)
Họp từ ngày 27 đến 30 tháng 11 năm 1961. Tham dự Đại hội có 184 đại biểu đại diện cho các tôn giáo, các giới, các ngành trong tỉnh. Ông Bùi Chí Tâm tiếp tục được bầu làm Chủ tịch.

+ Đại hội lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên (1964- 1974)
Họp từ ngày 1 đến 4 tháng 3 năm 1964. Đại hội đã bầu ra Uỷ ban MTTQ tỉnh khoá mới gồm 59 vị. Ông Bùi Chí Tâm được bầu làm Chủ tịch.
Ngày 21 tháng 4 năm 1965, Quốc hội quyết định hợp nhất 2 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Ông Nguyễn Việt Vinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Bắc Thái.

+ Đại Hội lần thứ I Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Thái (1974-1978)
Họp từ ngày 16 đến 19 tháng 7 năm 1974. Tham dự Đại hội có 187 đại biểu đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân trong tỉnh. Đại hội đã hiệp thương bầu uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Thái gồm 55 vị. Ông Nguyễn Hồng An được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Thái.

+ Đại hội lần thứ II Mặt trận tổ quốc tỉnh Bắc Thái (1978- 1981)
Họp từ ngày 26 đến 28 tháng 9 năm 1978. Tham dự Đại hội có 285 đại biểu đại diện cho các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo trong tỉnh. Đại hội đã hiệp thương bầu ra Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Thái gồm 55 vị. Ông Ngô Thượng Thạch được bầu là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Tỉnh Bắc Thái.

+ Đại hội lần thứ III Mặt trận tổ quốc tỉnh Bắc Thái (1981- 1983)
Họp từ ngày 25 đến 26 tháng 8 năm 1981. Đại hội đã hiệp thương bầu ra Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Thái gồm 51 vị. Ông Nguyễn Văn Nhỡ được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Thái.

+ Đại hội lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Thái (1983- 1988)
Họp từ ngày 14 đến 15 tháng 10 năm 1983. Đại hội đã hiệp thương bầu ra Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Thái gồm 51 vị. Ông Nguyễn Văn Nhỡ được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Thái Năm 1985 Ông Đồng Văn Dương giữ chức vụ Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh. Năm 1988 Ông Đặng Phúc Lường giữ chức chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh.

+ Đại hội lần thứ V Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Thái (1988- 1994)
Họp từ ngày 28 đến 29 tháng 11 năm 1988. Dự Đại hội gồm 169 đại biểu đại diện cho các địa phương, các đoàn thể nhân dân, các hội, các dân tộc, các tôn giáo trong tỉnh. Đại hội đã hiệp thương bầu ra Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Thái gồm 55 vị. Ông Đặng Phúc Lường giữ chức vụ Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Thái đến năm 1991. Năm 1993, Ông Nông Thái Nghiệp được hiệp thương cử giữ chức vụ Chủ tịch UB MTTQ tỉnh khoá V.

+ Đại hội lần thứ VI Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Thái ( 1994- 1998 )
Họp từ ngày 26 đến 27 tháng 8 năm 1994. Tham dự Đại hội có 204 đại biểu đại diện cho khối đại đoàn kết trong tỉnh. Đại hội đã hiệp thương bầu ra Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Thái gồm 55 vị. Ông Nông Thái Nghiệp giữ chức vụ Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Thái. Năm 1997, ông Triệu Quang được hiệp thương cử giữ chức vụ Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh khoá VI.

Tháng 1/1997, tỉnh Bắc Thái được chia tách thành Tỉnh Thái Nguyên và Tỉnh Bắc Kạn. MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã qua 10 kỳ Đại hội (4 kỳ Đại hội trước khi hợp nhất tỉnh và 6 kỳ Đại hội trong thời gian hợp nhất 2 tỉnh).

+ Đại hội lần thứ XI Mặt trận tổ quốc tỉnh Thái Nguyên (1998- 2004 )
Họp từ ngày 18 đến 19 tháng 5 năm 1998. Đại hội đã hiệp thương cử ra Uỷ ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên khoá XI gồm 55 vị uỷ viên. Ông Triệu Quang được bầu là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đến tháng 8 năm 1999. Từ tháng 9 năm 1999 Ông Chu Văn Nhằn giữ chức vụ Chủ tịch.

+ Đại hội lần thứ XII Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên (2004 - 2009)
Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XII đã họp trong các ngày 18 - 19 tháng 8 năm 2004 tại Trung tâm Thành Phố Thái Nguyên. Tham dự Đại hội có 250 đại biểu đại diện cho các tổ chức, các hội, các cơ quan, đơn vị, các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Đại hội hiệp thương dân chủ cử ra Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc khoá XII, nhiệm kỳ 2004 - 2009, gồm 69 vị tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân. Ông Phùng Đình Thiệu được cử giữ chức Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh.

Tại Hội nghị Uỷ ban MTTQ tỉnh lần thứ 10, khoá XII nhiệm kỳ 2004-2009 (ngày 31/12/2008), đã hiệp thương cử Ông Nguyễn Thanh Tùng giữ chức vụ Chủ tịch.

Vào các ngày 17 và 18-7-2009 tới đây, MTTQ tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến hành Đại hội lần thứ XIII. Đại hội sẽ được Đài PT-TH Thái Nguyên truyền hình trực tiếp.

Duy Hưng