Từ bức tượng cảm tử quân...

Cuối năm, cây lá vẫn xanh dọc đường từ cổng Trung đoàn Thủ Đô dẫn về nhà làm việc của cơ quan trung đoàn bộ. Trên con đường đó, hình ảnh gây chú ý hơn cả là bức tượng chiến sĩ ôm bom ba càng, trong tư thế sẵn sàng lao lên phía trước, vừa tôn thêm vẻ đẹp trong khuôn viên đơn vị, vừa có ý nghĩa khắc họa sinh động, sâu sắc truyền thống của một trung đoàn gắn liền với câu nói đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Trung tá Nguyễn Ngọc Khánh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ Đô vui vẻ đón khách, rồi chủ động giới thiệu:

- Trong những ngày này, toàn đơn vị đang đẩy mạnh các hoạt động thi đua, khẩn trương thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, kế hoạch năm 2016, đồng thời cũng nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống đơn vị.

mach nguon truyen thong trung doan thu do
Thực hành huấn luyện vượt chướng ngại nước tại Trung đoàn Thủ Đô.

Theo lời anh Khánh, một Hà Nội của những ngày đầu kháng chiến như được tái hiện. Ngày đó, Thủ đô đang khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, nhất là về lực lượng để đối phó với quân Pháp. Bởi vậy, Đảng ủy Liên khu I đã họp và đề nghị thống nhất các LLVT trong thành phố, thành lập một trung đoàn chính quy của Quân đội quốc gia Việt Nam lấy tên là “Trung đoàn Liên khu I”. Ngày 6-1-1947, Trung đoàn Liên khu I chính thức công bố thành lập. Hội nghị quân sự toàn quốc họp ngày 12-1-1947 quyết nghị tặng Trung đoàn Liên khu I danh hiệu Trung đoàn Thủ Đô.

Lịch sử của trung đoàn ghi lại: Với tinh thần “sống chết với Thủ đô”, ngày 15-1-1947, lễ quyết tử bảo vệ Liên khu I đã được tổ chức rất nghiêm trang, có bàn thờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, có chiếc bàn rộng bày những quả bom ba càng, những quả mìn đủ các cỡ, những thanh kiếm sáng loáng. Các chiến sĩ “Quyết tử quân” cổ quấn khăn quàng đỏ tượng trưng cho tinh thần hy sinh vì dân tộc, tập hợp chỉnh tề trước bàn thờ Tổ quốc, tuyên thệ chiến đấu ở nơi nào gay go nhất, đánh thì đi trước, rút thì đi sau, hễ đánh là phải thắng. Theo Đại tá Nguyễn Trọng Hàm (95 tuổi), cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Trung đội trưởng thuộc Trung đoàn Thủ Đô thì ngày đó dựa vào phố xá chằng chịt, đường cơ động được đục xuyên qua các bức tường, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô đã chọn hình thức tác chiến du kích nhỏ lẻ, hiệu quả… Nhiều trận đánh xuất sắc được đơn vị thực hiện, như trận chiến đấu bảo vệ Bắc Bộ Phủ, giữ nhà Sô-va; các trận đánh tại phố Hàng Thiếc, chợ Đồng Xuân…, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.

Một trong những câu chuyện khiến Đại tá Nguyễn Trọng Hàm xúc động là câu chuyện liên quan đến con số “500 và 1.200”. Chuyện là, để khắc phục tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, đồng thời bảo toàn lực lượng, Trung đoàn Thủ Đô được giao nhiệm vụ chỉ để lại 500 người phòng thủ ở nội thành, còn lại phải rút ra ngoài. Vậy nhưng điểm lại quân số sau khi một lực lượng rút đi thì thấy vẫn còn 1.200 người, do nhiều người tự động trốn ở lại để được tiếp tục chiến đấu, quyết không rời trận tuyến. Đó là minh chứng hết sức sinh động về tinh thần “sống chết với Thủ đô”.

Sau 60 ngày đêm cầm chân quân Pháp trong lòng Hà Nội và loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên địch, chấp hành chỉ thị của cấp trên, trung đoàn đã thực hiện cuộc lui quân thần kỳ. Trước lúc rời chiến lũy, các chiến sĩ viết lên tường các dãy phố những dòng chữ thể hiện tinh thần đanh thép: “Quân xâm lăng, chúng ta sẽ trở lại đây một ngày mai”; “Thủ đô Hà Nội mãi mãi là của dân tộc Việt Nam”…

... đến những dòng chữ song ngữ trên pa-nô, khẩu hiệu

Cùng với bức tượng cảm tử quân, những dòng chữ song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) xuất hiện trên nhiều pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan cũng là hình ảnh tạo nên nét đặc biệt của Trung đoàn Thủ Đô. Sở dĩ có những dòng chữ song ngữ trên là bởi những năm qua, trung đoàn được cấp trên giao thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quân sự, đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến tham quan.

Trung tá Nguyễn Ngọc Khánh cho biết, một trong những đoàn khách quốc tế quan trọng đến tham quan trung đoàn năm 2014 là đoàn Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN. Riêng trong năm 2015, trung đoàn tổ chức đón hơn 20 đoàn khách quốc tế đến thăm, bảo đảm chính quy, trọng thị, an toàn tuyệt đối, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và tình cảm hữu nghị tốt đẹp. Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được Trung đoàn Thủ Đô chú trọng quan tâm thực hiện là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng cơ động. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trung đoàn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, theo hướng chú trọng huấn luyện theo tình huống; huấn luyện nâng cao sức khỏe bộ đội, huấn luyện hành quân xa, mang vác nặng; huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật ban đêm… Với mỗi hình thức huấn luyện, đơn vị đều có các chủ trương, giải pháp, biện pháp cụ thể, bảo đảm đạt kết quả, chất lượng cao nhất.

Thượng tá Nguyễn Đức Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 308 chia sẻ: Trong những ngày Toàn quốc kháng chiến, Trung đoàn Thủ Đô thực sự là “chốt thép” của Hà Nội. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, vinh dự là đơn vị đầu tiên được xây dựng, tổ chức thành trung đoàn bộ binh cơ giới, Trung đoàn Thủ Đô luôn chủ động đi đầu trong nghiên cứu, tìm ra những cách đánh mới, chiến thuật mới, áp dụng trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.